Xưởng sản xuất bỏ hoang, vì sao không thu hồi đất?

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Tại xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông có một xưởng sản xuất dong riềng của một doanh nghiệp dựng lên hàng chục năm nay nhưng không hoạt động sản xuất, trong khi địa phương đang cần phần diện tích đất này để xây dựng công trình sinh hoạt cộng đồng.
Khu đất mà doanh nghiệp xây dựng xưởng sản xuất thuộc thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh.

Khu đất mà doanh nghiệp xây dựng xưởng sản xuất thuộc thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh.

Theo phản ánh của người dân xã Mỹ Thanh, khoảng những năm 2013, Công ty TNHH Hoàng Giang đã đến xây dựng xưởng sản xuất tinh bột dong riềng tại địa bàn thôn Bản Luông. Thế nhưng, chỉ sau một vụ dong riềng đầu tiên, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp dừng hoạt động. Việc thu mua dong riềng cho bà con trên địa bàn xã cũng theo đó chấm dứt. Hàng chục năm nay, xưởng sản xuất tinh bột dong riềng bỏ hoang.

Ông Phùng Tiến Quảng, Trưởng thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh.

Ông Phùng Tiến Quảng, Trưởng thôn Bản Luông chia sẻ: "Việc xây dựng nhà máy chế biến là điều mà người dân rất mong muốn. Cây dong riềng sẽ được trồng, sản xuất và bán tại chỗ, giảm cước phí vận chuyển, đây cũng là điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình tham gia phát triển sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp. Từ trước đến nay, dong riềng là cây trồng được khuyến khích phát triển trên địa bàn xã".

Được biết, thời điểm đó, để thúc đẩy chế biến miến dong, tỉnh Bắc Kạn đã kêu gọi các nhà đầu tư, người dân trong tỉnh thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở chế biến dong riềng. Theo đó, Công ty TNHH Hoàng Giang đã đầu tư dây chuyền chế biến tinh bột dong riềng tại xã Mỹ Thanh với công suất 100 tấn củ/ngày. Người dân trong xã và một số xã lân cận khấp khởi vui mừng vì có nhà máy sản xuất chế biến tại địa phương, không còn phải lo khâu thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ.

Qua khảo sát thực tế của phóng viên, trên khu đất chừng 500m2 đã xây dựng một nhà xưởng sản xuất dong riềng với gần 20 bể ngâm củ, bể chứa tinh bột, hệ thống gọt rửa củ và 01 nhà điều hành... Tất cả hiện đang bỏ hoang phế.

Xưởng sản xuất tinh bột dong riềng tại thôn Bản Luông bị bỏ hoang hàng chục năm nay.

Mỹ Thanh là một trong những xã có diện tích trồng dong riềng lớn của huyện Bạch Thông với hơn 23ha. Song, người trồng dong riềng tại đây vẫn phải phụ thuộc vào thương lái mỗi vụ thu hoạch. Nhìn nhà xưởng sản xuất chế biến dong riềng không phát huy công năng, rất lãng phí, người dân trong xã bày tỏ sự tiếc nuối và băn khoăn vì sao công trình này để hàng chục năm nay mà không thấy cấp, ngành nào giải quyết?

Lạ lùng ở chỗ, chính quyền địa phương cũng không nắm rõ xưởng sản xuất này được xây dựng theo dự án nào, đơn vị nào cấp quyền. Hiện nay một số tài sản của doanh nghiệp vẫn còn trên đất, nên xã cũng đang loay hoay tìm hướng giải quyết.

Một số thiết bị sản xuất, hệ thống nhà xưởng hoang phế chưa được giải quyết.

Một số thiết bị sản xuất, hệ thống nhà xưởng hoang phế chưa được giải quyết.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đặng Quyết Chiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh cho biết: Xã không tìm thấy hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc cho thuê đất và cũng không biết cơ quan đơn vị nào cấp quyền cho doanh nghiệp này xây dựng nhà máy sản xuất trên địa bàn xã. Chúng tôi đã báo cáo phòng chuyên môn của huyện, nhưng cũng không thấy tìm thấy văn bản, giấy tờ liên quan.

Ông Đặng Quyết Chiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh.

Lãnh đạo xã cho biết thêm, chính quyền và người dân xã Mỹ Thanh mong muốn cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm công trình này để có thể sử dụng phần diện tích đất đó xây dựng một số công trình công cộng của xã, góp phần thực hiện các tiêu chí trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới./

Xem thêm