Xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri

0:00 / 0:00
0:00
BBK -  Kỷ niệm 47 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất (25/4/1976 – 25/4/2023)
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham dự Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham dự Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Cách đây 47 năm, vào ngày 25 tháng 4 năm 1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của Nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc đạt 99,36%, miền Nam là 98,59%. Cử tri đã lựa chọn và bầu 492 đại biểu Quốc hội gồm đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, đại biểu các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, đại biểu các dân tộc thiểu số và các tôn giáo.

“Sáng ngày 25/4/1976, khắp nơi trên địa bàn Bắc Kạn rực rỡ cờ đỏ sao vàng chào đón sự kiện chính trị trọng đại. Cử tri đi bỏ phiếu bầu với tỷ lệ cao, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng của người công dân. Huyện Ngân Sơn có 95% số cử tri đi bỏ phiếu.” (Trích Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn tập II (1975 – 2005) do Tỉnh ủy Bắc Kạn xuất bản năm 2005).

Những năm qua, cùng với quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của cử tri.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn được thành lập cùng với sự chia tách và sáp nhập tỉnh Bắc Kạn. Từ khóa I đến khóa II (1946 - 1964) là Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn; từ khóa III đến khóa IX (1965 - 1996) là Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Thái; từ khóa X (1997 đến nay) là Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. Số lượng ĐBQH của tỉnh cũng thay đổi theo từng nhiệm kỳ của Quốc hội: Sau khi tái thành lập tỉnh Bắc Kạn năm 1997, từ khoá X, khóa XI, khóa XII, khóa XIII đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đều có 06 đại biểu. Khóa XIV đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn khi công bố kết quả bầu cử là 6 đại biểu, đến năm cuối của nhiệm kỳ có đại biểu Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân khu 1 chuyển từ đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội về sinh hoạt cùng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Hiện nay, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Bắc Kạn có 06 đại biểu (03 nam, 03 nữ). Trong đó có 03 vị đã là ĐBQH từ khóa XIV, gồm các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Hồ Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Thủy; 03 đại biểu được bầu lần đầu là Hà Sỹ Huân, Nguyễn Thị Huế, Hoàng Văn Hữu. Đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động, tích cực nghiên cứu, tham gia ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các phiên họp, hội thảo của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Tích cực tham gia giám sát, khảo sát. Thực hiện tiếp xúc cử tri theo quy định, lắng nghe, chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan chức năng và theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri…

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong 54 phiên thảo luận tại hội trường, 15 phiên thảo luận tại tổ của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Kỳ họp thứ ba, thứ tư Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã tham gia 74 lượt ý kiến phát biểu thảo luận, kiến nghị về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các dự án Luật. Nhiều nội dung tham gia ý kiến được đông đảo cử tri trong tỉnh quan tâm…

Trong suốt quá trình hoạt động, các vị ĐBQH và đoàn ĐBQH tỉnh các nhiệm kỳ luôn nỗ lực thực hiện vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cả nước và địa phương, có nhiều đóng góp cho hoạt động của Quốc hội thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ như: Bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước để đóng góp những ý kiến thiết thực tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; xem xét việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương; tham gia xây dựng Hiến pháp, pháp luật… Qua các hoạt động đó, ĐBQH và đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cử tri, Nhân dân với Quốc hội, Chính phủ; xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri./.

Xem thêm