Xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp gỗ lao đao

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn suy giảm mạnh đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ nói chung trong đó có Bắc Kạn. Tình trạng này kéo dài đã hơn 01 năm nay khiến các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, hàng tồn kho, dòng tiền đầu vào của các doanh nghiệp suy giảm nghiêm trọng.

Khu công nghiệp Thanh Bình hiện có 05 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ. Thị trường tiêu thụ trong nước và ngoài nước. Một số sản phẩm như ván dán, dao, thìa, dĩa gỗ, đũa gỗ chủ yếu xuất khẩu ra các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Malaysia…Trong số 05 doanh nghiệp này, có 02 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là thị trường rất có tiềm năng, tuy nhiên hơn 01 năm nay các doanh nghiệp không thể xuất vào thị trường này.

Sản xuất đình trệ, các doanh nghiệp gỗ tại KCN Thanh Bình phải cắt giảm phần lớn người lao động.

Sản xuất đình trệ, các doanh nghiệp gỗ tại KCN Thanh Bình phải cắt giảm phần lớn người lao động.

Ông Liu Xiao Wu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng gỗ dán cho biết: “Công ty đã có 04 năm hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bắc Kạn. Doanh thu khá ổn định, đang trong đà tăng trưởng rất tốt. Năm 2019 doanh thu 119 tỷ đồng, năm 2020 là 297 tỷ đồng, năm 2021 là 600 tỷ đồng, năm 2022 là 477 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động. Tuy nhiên, một bất lợi xảy đến kể từ tháng 3 năm 2022 khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam có nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam nằm trong danh sách bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ do vậy các khách hàng không thể mua hàng của Công ty. Các đơn hàng bị cắt giảm 100%. Thậm chí có những đơn hàng đã giao đến cảng đích nhưng khách hàng từ chối vì nếu nhận hàng sẽ phải nộp thuế cao gấp nhiều lần. Cuộc điều tra sau vài lần gia hạn cho đến hiện nay vẫn chưa có kết luận. Công ty Lechenwood với tỷ lệ xuất khẩu chiếm tới 70% doanh thu nên vấn đề này khiến cho hoạt động sản xuất của công ty bị ngưng trệ. Hàng tồn kho chất đống, tiền ứ đọng, khó khăn chồng chất. Tình trạng chưa bao giờ xảy ra từ trước tới nay đối với doanh nghiệp. Hiện tại Công ty chỉ duy trì công suất lao động bằng 20% so với trước đây, mục đích để giữ chân người lao động”.

Mặt hàng gỗ dán tồn đọng khá lớn tại các doanh nghiệp gỗ tại KCN Thanh Bình do không xuất khẩu được.

Mặt hàng gỗ dán tồn đọng khá lớn tại các doanh nghiệp gỗ tại KCN Thanh Bình do không xuất khẩu được.

Cũng trong tình trạng như vậy, Công ty Cổ phần đầu tư Govina tại KCN Thanh Bình trong tình trạng sản xuất cầm chừng do không thể xuất khẩu sản phẩm gỗ dán sang thị trường Mỹ. Ông Ngô Văn Hiến đại diện phía Công ty cho biết: “Hiện Công ty đã hoàn tất các hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu đầu vào sản xuất là gỗ của Việt Nam (khai thác từ rừng trồng của người dân Bắc Kạn) cung cấp cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên sau 01 năm trời đến nay vẫn chưa có phán quyết từ phía Mỹ, thị trường chưa mở cửa. Hàng tồn kho của doanh nghiệp chất đống kín lối đi cả trăm container hàng với vốn đắp lại khoảng trên 100 tỷ đồng. Tiền lãi vẫn phải trả ngân hàng. Doanh nghiệp rất vất vả tìm mọi cách để duy trì, từng ngày, từng giờ mong chờ kết quả phán quyết từ phía Mỹ. Không xuất khẩu được, doanh nghiệp phải bán cho thị trường trong nước nhưng giá giảm tới 30% so với trước, số lượng nhỏ giọt không đáng kể”.

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt các doanh nghiệp đều kiến nghị ngân hàng giữ mức tín dụng để họ có thể duy trì sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đến hạn; giãn tiền thuê đất; các loại phí. Các khoản giãn và khoanh nợ này sẽ không tính lãi. Đây là những giải pháp trọng tâm lúc này để duy trì ngành gỗ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm phục hồi, tái sản xuất trong thời gian tới./

Xem thêm