Xây dựng sản phẩm OCOP “Mật ong Thanh Thịnh”

Mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán rừng đang mang lại nguồn thu ổn định cho người dân xã Thanh Thịnh (Chợ Mới). Năm 2021, xã Thanh Thịnh lựa chọn xây dựng thương hiệu “Mật ong Thanh Thịnh” trở thành sản phẩm OCOP.

Các thành viên của THT nuôi ong Bản Còn chăm sóc đàn ong theo đúng kỹ thuật để ong phát triển tốt.
Tổ hợp tác nuôi ong Bản Còn chăm sóc đàn ong theo đúng kỹ thuật.

Tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có, nhiều năm nay, anh Nông Viết Toại, thôn Bản Còn chọn nuôi ong lấy mật làm hướng phát triển kinh tế. Thời gian đầu, anh chỉ nuôi 1 - 2 đàn ong rừng phục vụ nhu cầu của gia đình. Khi mật ong được nhiều người đặt mua, anh tìm hướng phát triển hiệu quả, đưa sản phẩm mật ong ra thị trường. Đến nay, gia đình anh đã có 50 đàn ong, trung bình mỗi năm thu được hơn 200 lít mật. Với giá bán từ 150.000 - 180.000 đồng/lít, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về gần 30 triệu đồng.

Theo đuổi nghề nuôi ong, bà Nông Thị Viên, thôn Bản Còn đã trải qua nhiều thăng trầm, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Ban đầu bà chỉ nuôi chục đàn ong rừng, nhưng do thiếu kinh nghiệm, đầu ra không ổn định nên ong hao hụt, tách đàn, dẫn đến thua lỗ. Sau khi đúc rút được kinh nghiệm nuôi ong qua những lần thất bại, đến nay gia đình bà duy trì 100 đàn ong, mỗi năm thu khoảng 400 - 500 lít mật. Theo bà Viên, nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng. Nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế do không tốn diện tích đất, chi phí đầu tư ban đầu thấp và đặc biệt không tốn nhiều công chăm sóc...

Bà Viên cho biết thêm: Khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm là mùa hoa của các loài cây trong rừng nở rộ nhất. Đây cũng là mùa ong cho mật nhiều nhất trong năm. Vào vụ thu mật, mỗi tháng gia đình tôi quay mật 2 lần. Hiện tại tôi tự nhân đàn ong giống, mỗi đàn ong có thể chia tách để nhân thêm 3 đàn mới mỗi năm. Riêng năm 2020, tôi đã bán được 150 đàn ong giống cho người dân các xã lân cận và các huyện trong tỉnh, giá 1 cầu ong giống là 180.000 đồng, mỗi thùng ong giống có từ 4 - 7 cầu, tùy nhu cầu của người mua.

Để phát triển nghề nuôi ong, năm 2019, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Tổ hợp tác nuôi ong thôn Bản Còn được thành lập trên cơ sở kết nối 8 hộ có cùng đam mê, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và thu hoạch mật ong. Hiện nay, Tổ hợp tác có trên 200 đàn ong mật, trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 1.500 – 2.000 lít mật ong rừng. Các hộ thành viên luôn hướng đến yếu tố đảm bảo chất lượng, phát triển sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Những giọt mật ong mang hương vị của thiên nhiên, hòa quyện sánh mịn, vàng óng tạo nên một sản phẩm mật ong Thanh Thịnh không lẫn vào đâu được. Đây là sự độc đáo để xã Thanh Thịnh hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP mang tên “Mật ong Thanh Thịnh”.

THT nuôi ong Bản Còn đã hoàn thiện hồ sơ, lựa chọn chai và hộp đựng sản phẩm; tiến hành làm nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc để tham gia chấm Chương trình OCOP.
Sản phẩm "Mật ong Thanh Thịnh" tham gia Chương trình OCOP năm 2021.

Đồng chí Tạ Hữu Thung- Chủ tịch UBND xã Thanh Thịnh cho biết: Thời gian qua, xã tích cực vận động các hộ nuôi ong tham gia THT để liên kết sản xuất và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Xã đã lựa chọn sản phẩm mật ong của THT nuôi ong thôn Bản Còn tham gia Chương trình OCOP, giúp THT hoàn thiện hồ sơ, lựa chọn mẫu chai và hộp đựng sản phẩm, làm nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc... Nếu đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mật ong, là cơ hội để THT quảng bá, liên kết tiêu thụ mật ong cho tất cả các hộ nuôi ong trên địa bàn xã./.

Huyền Thương

Xem thêm