Cuộc thi Sáng tác Văn học Nghệ thuật (VHNT) về đề tài “Bắc Kạn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020” đã kết thúc. Từ cuộc thi, nhiều tác phẩm chất lượng đã ra đời, mang đến những góc nhìn đa dạng, sinh động và hài hòa về công cuộc xây dựng nông thôn mới…
![]() |
Tác phẩm dự thi: Mùa vàng bản em của tác giả Ngô Đức Mích. |
Ông Dương Văn Phong- Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: Với mong muốn thu được những kết quả tốt, Hội đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho các hoạt động trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi. Ngay sau khi Thể lệ cuộc thi được phát động và đăng tải, công bố trên Tạp chí Văn nghệ Ba Bể, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin Điện tử tỉnh... cơ quan thường trực cuộc thi đã cử người theo dõi, cập nhật tình hình thực hiện cuộc thi. Hằng tháng, Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ba Bể thẩm định, lựa chọn các tác phẩm tốt đăng tải trên chuyên trang của Tạp chí; đồng thời gửi Báo Bắc Kạn đăng tải các tác phẩm hay, chất lượng tốt và phối hợp với Đài PTTH làm chương trình tuyên truyền về cuộc thi. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, cơ quan thường trực đã tổ chức các trại sáng tác, mở lớp tập huấn, tổ chức đi thực tế sáng tác để anh em văn nghệ sĩ được trải nghiệm, thâm nhập thực tế về công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay tại Bắc Kạn và một số tỉnh khu vực Đông Bắc…
Trong 02 năm, Ban Tổ chức cuộc thi nhận được 396 tác phẩm, gồm có: 151 bài thơ; 53 truyện ngắn; 51 bút ký - ghi chép; 141 ảnh nghệ thuật. Trong số đó, 153 tác phẩm được đăng tải, sử dụng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của tỉnh như: Tạp chí Văn nghệ Ba Bể, Trang thông tin điện tử tổng hợp Hội VHNT Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh…
So với Cuộc thi lần I, Cuộc thi Sáng tác VHNT về đề tài “Bắc Kạn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020” đã có sự góp mặt của bút ký - ghi chép. Đây là thể loại được đánh giá sát với thực tế nhiều hơn so với truyện ngắn, thơ và tranh, ảnh. Với 51 tác phẩm tham dự, tuy còn khiêm tốn về số lượng nhưng đã mang đến một màu sắc mới cho cuộc thi. Từ đó, những hiện thực, gương điển hình, mô hình kinh tế tiêu biểu đã được phản ánh tương đối toàn diện. Tại cuộc thi, các tác phẩm chủ yếu mang dấu ấn báo chí, chất lượng văn chương chưa cao. Tuy nhiên, 51 bút ký - ghi chép đã góp phần làm nên thành công về nội dung phản ánh của cuộc thi.
Bằng ngòi bút cảm xúc, các tác giả đã biểu dương được những đơn vị - những tấm gương điển hình, chỉ ra được điểm nhấn về kinh tế nông nghiệp và phong trào xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn trong những năm gần đây. Nhiều bài bút ký với nguồn tư liệu phong phú, sinh động và thực tiễn cho thấy tác giả đã công phu tìm tòi trong việc thâm nhập thực tế để sáng tạo tác phẩm. Một số bài ký vừa mang tính thời sự sâu sắc, vừa kịp thời tuyên truyền động viên cổ vũ nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho mỗi người dân thấy rõ thêm ý thức trách nhiệm của mình về xây dựng cuộc sống mới, con người mới. Có thể kể tới các tác phẩm tiêu biểu như: "Mật ngọt trên đất cằn" của tác giả Triệu Hoàng Giang, "Những người thợ rừng trước thềm xuân" của tác giả Nguyễn Tuệ Minh, "Màu xanh trở lại Phiêng My" của tác giả Thi Hiệp, "Người công dân “cất” vàng ở đồi nhà" của tác giả Hoàng Chiến Thắng, "Điệu then tính tẩu" ở Bản Hon của tác giả Phan Mai Hương…
Ngoài bút ký - ghi chép, các thể loại khác như: Văn xuôi, thơ, nhiếp ảnh, âm nhạc… cũng đã đem đến những tác phẩm chất lượng, đa dạng và phong phú. Với 02 Giải Nhất, 07 Giải Nhì, 04 Giải Ba, 05 Giải Khuyến Khích được trao đã cho thấy tín hiệu đáng mừng về chất lượng các tác phẩm VHNT tại cuộc thi lần này.
Bên cạnh kết quả đạt được, cuộc thi vẫn còn những hạn chế như: Số lượng tác giả gửi bài đến tham dự chưa nhiều, chủ yếu chỉ là hội viên Hội VHNT tỉnh; các tác phẩm tham gia dự thi phần lớn phản ánh mặt tích cực, còn ít tác phẩm nói về mặt hạn chế, trì trệ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới… Mong rằng ở những cuộc thi tiếp theo, các tác phẩm VHNT dự thi sẽ có chất lượng hơn nữa, đáp ứng nhiều hơn cho công tác tuyên truyền của tỉnh về xây dựng nông thôn mới./.
Bích Phượng