Xanh mãi những cánh rừng

Sau 4 năm thực hiện có hiệu quả Đề án “Tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng giai đoạn 2016 - 2020”,  kinh tế rừng ở Bắc Kạn có bước phát triển và được xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau 4 năm thực hiện có hiệu quả Đề án “Tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng giai đoạn 2016 - 2020”,  kinh tế rừng ở Bắc Kạn có bước phát triển và được xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Rừng trồng ở huyện Chợ Mới.
Rừng trồng ở huyện Chợ Mới.

Là tỉnh miền núi có thế mạnh về rừng, trong những năm gần đây, tỉnh từng bước quy hoạch các vùng sản xuất lâm nghiệp hàng hoá, chuyên canh theo mục đích sử dụng đất lâm nghiệp của mỗi loại rừng. Chính vì vậy, trồng rừng sản xuất trở thành phong trào phát triển rộng trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ gia đình đã chủ động chuyển từ sản xuất nương rẫy trên đất lâm nghiệp sang trồng rừng. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh chủ động tham mưu, chỉ đạo triển khai các mô hình canh tác bền vững, hiệu quả; tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loài cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế, chu kỳ sản xuất ngắn và phù hợp với điều kiện sinh thái vào sản xuất.

Toàn tỉnh có tổng diện tích tự nhiên 485.996ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 417.538,67ha, chiếm tỷ lệ 86%. Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu của Đề án trồng mới 32.500ha rừng thì đến hết năm 2020, toàn tỉnh trồng được 33.972ha, trong đó có hơn 10.000ha rừng trồng gỗ lớn, đưa tổng diện tích trồng rừng của tỉnh lên hơn 100.000ha; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 72,9%. Điểm mới là với mục tiêu phát triển kinh tế rừng bền vững, tỉnh ta đã hoàn thành rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, đây là cơ sở để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển rừng.

Tập trung nâng cao các biện pháp quản lý kinh doanh rừng trồng, tiến tới đạt tiêu chuẩn và được cấp giấy chứng nhận quản lý FSC là một mục tiêu tỉnh đang hướng tới. Hiện nay, tỉnh đã triển khai thực hiện quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC tại Chợ Mới và Ngân Sơn. Đây là phương thức rất hiệu quả, vì thực tế trên thị trường giá 01m3 gỗ có chứng nhận FSC thường cao hơn từ 25 - 35% so với giá gỗ cùng loại và cùng chất lượng. Có chứng chỉ rừng FSC, sản phẩm có thể xuất khẩu sang các nước châu Âu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, có thể thấy việc được cấp giấy chứng nhận FSC là một trong những giải pháp rất tốt để tăng giá trị kinh tế rừng, đồng thời góp phần quản lý khai thác rừng bền vững hơn. Đến nay đã có 921ha của 322 chủ rừng ở huyện Chợ Mới được cấp chứng chỉ rừng FSC.

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều diện tích rừng trồng của người dân đã đến kỳ khai thác và giá bán gỗ khá cao, vì vậy đã thúc đẩy người dân tích cực trồng rừng. Mặt khác, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững, người dân đã được đầu tư khá lớn về vốn nên kết quả trồng rừng đạt cao. Với những kết quả trên, lĩnh vực lâm nghiệp có bước tiến đáng kể trong việc nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân Bắc Kạn, đồng thời đóng vai trò tích cực trong bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, lũ lụt. Cùng với đó, mỗi năm, toàn tỉnh khai thác khoảng 2.500 - 3.000ha rừng, tạo việc làm cho hàng chục ngàn hộ gia đình, nâng cao nguồn thu nhập, ổn định cho người trồng rừng.


Trong khâu chế biến gỗ, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến gỗ nhằm phát huy tối đa tiềm năng và nâng cao giá trị của kinh tế rừng. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 230 cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản đang hoạt động. Nổi bật là Nhà máy sản xuất ván ép và ván sàn của Công ty TNHH Lechewood Việt Nam, xây dựng trên diện tích 4,8ha tại Khu Công nghiệp Thanh Bình. Đây là Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, có mức đầu tư 180 tỷ đồng, sản lượng 30.000m3 ván dán và 200.000m2 ván sàn/năm. Tiếp đến là Công ty Cổ phần Đầu tư Govina đầu tư 160 tỷ đồng, công suất 120.000m3 ván thành phẩm/năm. Nhà máy đang tập trung sản xuất ván dán nội thất chất lượng cao, xuất khẩu thị trường Mỹ; tạo việc làm cho 160 lao động, hầu hết là người địa phương với mức lương trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Với chủ trương phát triển bền vững, Nhà máy tập trung tiêu thụ gỗ rừng trồng tại Bắc Kạn, liên kết với người dân để trồng rừng và liên kết với các cơ sở chế biến gỗ tại địa phương để làm vệ tinh sản xuất thô cho Nhà máy.

Tại huyện Chợ Đồn, Công ty TNHH Trường Thành Bắc Kạn đã mạnh dạn đầu tư 14 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến gỗ với dây chuyền thiết bị hiện đại, công suất chế biến 19.300m3 gỗ nguyên liệu/năm, sản phẩm là gỗ ghép thanh, dăm gỗ và đũa gỗ xuất khẩu. Doanh nghiệp chủ động liên kết với người dân trên địa bàn huyện để xây dựng vùng nguyên liệu từ hàng chục năm qua. Do vậy, với sản lượng gỗ rừng trồng hằng năm khai thác khoảng hơn 200ha và thu mua thêm trong địa bàn huyện, Nhà máy chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định. Hiện, nhà máy đang tạo việc làm cho khoảng 80 lao động địa phương, mức lương ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, nhiều nhà máy chế biến gỗ như Công ty TNHH Kẻ Gỗ, Công ty TNHH Gỗ ép Anh Bình (trong KCN Thanh Bình); Công ty TNHH Đài Việt (TP. Bắc Kạn); Xí nghiệp chế biến lâm sản Huy Hoàng (Na Rì) và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ... cũng đang sản xuất với mục tiêu xuất khẩu mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm rừng trồng, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Nếu như năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 0,06 triệu USD thì đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,52 triệu USD với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ dán ép, gỗ bóc, đũa gỗ...

Có thể thấy, tỉnh ta xác định phát triển lâm nghiệp trong đó tập trung định hướng thực hiện theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu quản lý rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Lấy chế biến lâm sản làm trung tâm, đồng thời phát huy lợi thế sản phẩm bản địa, cơ cấu lại lao động, áp dụng khoa học công nghệ với kết cấu hạ tầng đồng bộ, sản xuất gắn với tiêu thụ. Mục đích là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, phát triển rừng bền vững, đưa kinh tế rừng trở thành trục sản phẩm ngành hàng quốc gia để xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu./.
     

Phan Quý
 

Xem thêm