Vĩnh biệt Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa

0:00 / 0:00
0:00
BBK - 22h ngày 14/3, Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa đã về “cõi người hiền”. Khi còn sống, ông đã có hàng chục công trình nghiên cứu và hàng trăm bài viết về văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn cho ngành văn hóa tỉnh Bắc Kạn.
Cố Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa- người nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày, Nùng.

Cố Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa- người nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày, Nùng.

Nếu ai đã từng gặp cố Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa, chắc rằng rất khó có thể quên được hình ảnh cụ ông với vóc người nhỏ bé, gương mặt hiền từ, luôn say mê khi nhắc đến văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Nùng.

Tôi đã nhiều lần vinh dự được ghé thăm ông trong căn gác nhỏ đơn sơ ở phố Đầu Cầu, thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông). Lần nào đến gặp, ông cũng đang ngồi miệt mài ghi chép, tỉ mẩn và hết sức tâm huyết. Mỗi lần tôi hỏi, ông sẽ móm mém cười: Bây giờ như chạy đua với thời gian, vẫn còn nhiều thứ muốn để lại, ghi chép được điều gì thì phải làm luôn. Chỉ mong thế hệ con cháu biết yêu, biết quý mà gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Được biết, năm 1952, cố Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa công tác ở Ty Văn hóa Bắc Kạn. Từ sự yêu thích ban đầu, ông ghi chép tỉ mỉ lại những bài thơ, bài mo, lời then, lời pụt, kỳ yên vào những cuốn sổ tay. Đi đến đâu thấy cái hay, cái lạ ông lại cẩn thận hỏi han, ghi chép lại và lưu giữ những cuốn sổ ấy như báu vật.

Cũng chính bằng niềm đam mê, trân quý và mong muốn bảo tồn những giá trị truyền thống, ông đã dành trọn cuộc đời để gắn bó với văn hóa nguồn cội. Nhận thấy việc ghi chép, lưu giữ chưa đủ, ông còn dịch thơ, dịch sách từ tiếng Tày cổ ra chữ phổ thông. Ngoài ra, ông đã phổ lời nhiều bài dân ca như sli, lượn, pụt, then của dân tộc Tày, Nùng. Rất nhiều sáng tác mang tên Hoàng Hóa đã được phát trên các Đài Phát thanh Việt Bắc, Bắc Thái, Bắc Kạn và được biểu diễn trong các hội diễn quần chúng.

Song song với đó, ông còn sáng tác thơ với các tác phẩm tiêu biểu như: Tẻo Chợ Đồn, Nắng đợi, Anh yêu cả hai… Đặc biệt, tác phẩm nhạc hát “Đời đời mang ơn các Anh hùng liệt sĩ Phủ Thông” do ông sáng tác đã được Tạp chí Văn hóa các dân tộc (Trung ương Hội Văn học nghệ thuật) xuất bản năm 2009.

Cố Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa khi còn là Đội trưởng Đội văn công Bắc Kạn (ảnh chụp những năm 60).

Cố Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa khi còn là Đội trưởng Đội văn công Bắc Kạn (ảnh chụp những năm 60).

Năm 1982, ông về hưu và tập trung nhiều hơn cho việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể. Ông còn sáng tác nhiều tác phẩm kịch, thơ bằng tiếng Tày, trong đó một số kịch bản đã đoạt giải vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc.

Những công trình, tác phẩm nghiên cứu, sáng tác đều được ông tự nguyện bỏ công sức từ đồng lương hưu ít ỏi của mình. Tiêu biểu trong đó có công trình nghiên cứu về thơ đám cưới (thơ lẩu) được ông tìm tòi, góp nhặt trong suốt 2 năm. Ông đến từng đám cưới, gặp từng ông Quan làng, bà Pá mẻ để ghi từng vần thơ, điệu hát. Ông vẫn bảo “Đó là tác phẩm ưng ý nhất của mình”… Biết bao công sức, biết bao tâm huyết, ông quyết định mang hơn 20 tác phẩm văn hóa văn nghệ dân gian dành tặng cho Bảo tàng tỉnh, đó đều là những tư liệu quý hiếm và bổ ích về đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Bắc Kạn.

Với sự tâm huyết và đóng góp của mình, nghệ nhân Hoàng Hóa đã được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du Lịch. Năm 2015, ông nhận Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đến năm 2019, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Giờ đây, Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa đã không còn nữa, nhưng những đóng góp và công trình nghiên cứu về văn hóa dân tộc Tày, Nùng mà ông trân quý để lại sẽ là nguồn tư liệu quý báu cho các thế hệ sau tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống…/.

Xem thêm