Giá viện mới sẽ được áp dụng tại các bệnh viện trên địa bàn từ đầu năm 2013, sau khi được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khoá VIII. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bắc Kạn đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nông Quốc Chí - Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn.
Phóng viên: Thưa đồng chí, trong đợt điều chỉnh giá viện phí lần này, Sở Y tế Bắc Kạn đã đề xuất điều chỉnh như thế nào?
Đồng chí Nông Quốc Chí: Một lần nữa tôi xin khẳng định lại là đa số các danh mục thu một phần viện phí đang áp dụng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 968/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh đến nay là không còn phù hợp, do mức thu quá thấp. Đặc biệt là 359 danh mục dịch vụ thuộc Thông tư liên bộ số 14/TTLB ngày 30/9/1995.
Trong đợt điều chỉnh giá viện phí lần này, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và của UBND tỉnh, Sở Y tế đã chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh và đại diện các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc tổ chức xây dựng và thẩm định giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện đang triển khai trên cơ sở danh mục và mức giá tối đa của Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC (Thông tư liên tịch ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước).
Cụ thể, Sở Y tế trình HĐND tỉnh thông qua 336 khoản thu thuộc 306/447 danh mục dịch vụ kỹ thuật thuộc Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC. Mức giá đề xuất trung bình so với giá tối đa của Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC là 76,5%.
![]() |
Việc điều chỉnh viện phí lần này cơ bản không ảnh hưởng đến người bệnh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. |
Phóng viên: Vậy thưa đồng chí, việc điều chỉnh theo hướng tăng lên nhiều dịch vụ y tế như vậy thì người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người cận nghèo có gặp nhiều khó khăn trong khám, chữa bệnh?
Đồng chí Nông Quốc Chí: Việc điều chỉnh viện phí lần này cơ bản là không ảnh hưởng đến người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sở dĩ như vậy là vì lần này mới chỉ điều chỉnh 336 khoản thu, thuộc 306 danh mục dịch vụ kỹ thuật, chiếm khoảng 13,7% tổng số danh mục dịch vụ kỹ thuật đang triển khai tại tỉnh Bắc Kạn. Trong khi tổng số dịch vụ kỹ thuật hiện đang triển khai tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh là 2.450 danh mục.
Bên cạnh đó, hiện nay, 100% các đối tượng hộ nghèo của tỉnh đều được cấp thẻ BHYT, còn các hộ thuộc diện cận nghèo đã được ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương hỗ trợ 80% kinh phí mua thẻ BHYT. Do vậy đến nay cơ bản số đối tượng này đều có thẻ BHYT. Hơn nữa, với đặc thù của tỉnh Bắc Kạn có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn nên cũng đã được cấp thẻ BHYT. Khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, các bệnh nhân thuộc đối tượng này chỉ cùng chi trả 5% viện phí khi tổng số tiền viện phí vượt quá 157.500 đồng/lần điều trị. Ngoài ra, Bộ Y tế đang có lộ trình trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi Luật BHYT theo hướng có lợi cho người dân thuộc hộ nghèo (không áp cùng chi trả đối với các đối tượng thuộc hộ nghèo).
Phóng viên: Nhiều người dân e ngại giá viện phí được điều chỉnh tăng lên nhưng quyền lợi của họ khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế chưa được bảo đảm. Vậy ngành Y tế có giải pháp gì để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thưa đồng chí?
Đồng chí Nông Quốc Chí: Trong thời gian qua, ngành Y tế luôn nhận thức rõ việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Cùng với việc đề xuất tăng viện phí lần này, hiện nay Sở Y tế đang xây dựng và hoàn thiện đề án nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 và phương hướng đến năm 2020 để trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.
Trước mắt, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại quy trình làm việc, quy trình khám, chữa bệnh khoa học và hợp lý nhằm giảm phiền hà cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh, chờ làm các xét nghiệm. Tăng cường điều trị ngoại trú, nhất là đối với những bệnh mãn tính, giảm ngày điều trị nội trú trên cơ sở bảo đảm chất lượng điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện không cần thiết, giảm chi phí cho người bệnh.
Đồng thời, tập trung cải tạo cơ sở hạ tầng, bố trí thêm giường bệnh tại các khoa, phòng thường xuyên bị quá tải, không để tình trạng bệnh nhân nằm ghép. Hơn hết là chú trọng không ngừng đến công tác giáo dục y đức cho cán bộ, nhân viên, không để tình trạng tiêu cực, hiện tượng xuống cấp về mặt đạo đức của một số cán bộ y tế. Mỗi cán bộ y tế phải làm tốt chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn và thái độ trong giao tiếp với người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Trần Hạnh