Việc thu phí đường của thôn Nà Khoa có đúng quy định?

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Hiền ở thôn Khuổi Kheo, xã Dương Sơn (Na Rì), thời gian qua, gia đình bà có bán 3,4ha rừng mỡ tại thôn Nà Khoa, xã Dương Sơn, mọi thủ tục để khai thác đã được thực hiện đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển gỗ mỡ ra khỏi khu vực khai thác, thôn Nà Khoa yêu cầu phải nộp số tiền 7.000.000 đồng.

Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Hiền sinh sống tại thôn Nà Khoa, xã Dương Sơn, nay đã chuyển sang thôn Khuổi Kheo sinh sống. Năm 2001, gia đình bà được Nhà nước giao đất rừng sản xuất tại thôn (có giấy CNQSDĐ), đến năm 2009 được cấp đổi sổ lần 2.

Năm 2002, thôn Nà Khoa được đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất. Đơn vị thi công là Công ty An Thịnh. Để thuận tiện trong quá trình thi công vận chuyển vật liệu, máy móc, Công ty An Thịnh đã chủ động mở rộng tuyến đường từ thôn Nà Nen (điểm đầu tuyến) vào thôn Nà Khoa với chiều dài 1,5km. Tuyến đường đi qua diện tích đất của 04 hộ dân, trong đó có 400m2 đất của gia đình bà Hiền.

dưqt4ey34

Bà Nguyễn Thị Hiền xác định vị trí đất của gia đình trước đây đã hiến cho thôn Nà Khoa để làm đường vào thôn

Người dân cho rằng khi Công ty làm đường vào thôn đã tiến hành đền bù cho các hộ dân của thôn Nà Nen còn thôn Nà Khoa không được đền bù. Vì nguyên nhân này, 03 hộ dân đã lấy lại đất đai để làm ruộng vườn như trước đây; còn lại duy nhất gia đình bà Hiền không lấy lại phần đất này để thôn có đường đi lại. Đến năm 2008, gia đình bà Nguyễn Thị Hiền tham gia trồng rừng sản xuất theo Dự án 661 với diện tích 3,4ha rừng mỡ. Cũng trong thời gian này, gia đình bà tiếp tục hiến thêm 1.000m2 đất để mở rộng đường dân sinh của thôn.

Bà Nguyễn Thị Hiền cho biết, tháng 4/2017 gia đình bà tiến hành làm hợp đồng mua bán 3,4ha rừng sản xuất cho ông Bàn Văn Chiến, thường trú tại phường Xuất Hóa (TP Bắc Kạn) với số tiền 100 triệu đồng. Việc mua bán rừng được hai bên lập hợp đồng, bên mua rừng sẽ chịu trách nhiệm khai thác, vận chuyển gỗ; còn gia đình bà Hiền chịu trách nhiệm về phần đường vận chuyển. Trong quá trình khai thác và vận chuyển gỗ mỡ ra khỏi khu vực thôn Nà Khoa, ông Nông Triệu Toại- trưởng thôn Nà Khoa đã yêu cầu đội khai thác phải nộp 7 triệu đồng tiền đường cho thôn mới được phép đưa gỗ ra ngoài thôn.

Trước tình hình như vậy, đại diện của bên mua rừng đã chủ động nộp đủ số tiền trên để quá trình khai thác, vận chuyển kịp thời gian theo thỏa thuận được ghi trong hợp đồng mua bán rừng (15 ngày). Việc nộp tiền cho thôn phía gia đình bà Nguyễn Thị Hiền không được biết.

Bà Hiền cho biết nếu như lúc đó biết việc thôn Nà Khoa thu tiền đường, bà sẽ không chấp nhận. Vì đoạn đường này từ năm 2002 đến năm 2009 gia đình bà đã có tới hai lần hiến đất để mở rộng đường. Từ trước đến nay thôn cũng chưa huy động người dân đóng góp làm đường mà đều do doanh nghiệp tự mở. Gia đình bà Hiền đã trực tiếp làm việc với thôn Nà Khoa, phản đối việc thu tiền đường của người dân. Đại diện của thôn có trả lời gia đình bà rằng thôn thu tiền theo quy ước, hương ước, không trái với quy định của pháp luật. Tiếp đó, gia đình bà Hiền đã làm đơn gửi lên UBND xã Dương Sơn đề nghị giải quyết vụ việc. Qua xem xét đơn, xã Dương Sơn lại chuyển nội dung về để thôn giải quyết theo quy định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thôn Nà Khoa tiến hành thu phí đường căn cứ vào quy chế quản lý tu sửa đường trong thôn. Quy chế của thôn Nà Khoa được thôn họp dân và thông qua ngày 30/12/2016 và bắt đầu được thực hiện từ ngày 1 tháng 01 năm 2017 đã được 31 hộ dân nhất trí thông qua. Quy chế của thôn Nà Khoa quy định “Việc thu phí con đường này để hằng năm thôn tiến hành tu sửa đường, tất cả các loại xe chở vật liệu, hàng hóa, lâm sản trọng tải không quá 5 tấn phí đóng góp tùy thuộc xe chở nhiều hay ít, thu từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/xe, hoặc thu theo thỏa thuận”...

Ông Nông Triệu Toại, trưởng thôn Nà Khoa cho biết: Việc thu tiền phí đường của thôn căn cứ  trên  cơ sở quy chế của thôn và khi tiến hành thu ban quản lý của thôn có lập biên bản họp với nội dung cho gọi bên thu mua gỗ tới để thống nhất đóng góp tiền thu sửa đường. Các bên đã nhất trí nộp số tiền 7 triệu đồng. Việc thu tiền thôn căn cứ vào việc thỏa thuận thôn thu 2.000.000 đồng/ha rừng khai thác.

Làm việc với UBND xã Dương Sơn, đồng chí Hoàng Đình Phấn- Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau khi nhận được đơn đề nghị của gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, xã đã chỉ đạo thôn Nà Khoa tiến hành giải quyết theo quy định. Còn về việc thu phí đường của thôn Nà Khoa đúng hay sai thì hiện nay xã cũng chưa nắm rõ. Mọi thủ tục xin khai thác rừng sản xuất đã được gia đình bà Hiền thực hiện đầy đủ.

Có thể nói việc gia đình bà Hoàng Thị Hiền không đồng tình với việc thu phí của thôn Nà Khoa là có cơ sở. Đó là chưa xét tới việc gia đình bà Nguyễn Thị Hiền trước đây đã nhiều lần hiến đất cho thôn để làm đường. Hiện nay, chủ trương của Nhà nước, của tỉnh đang khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, đã có hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ dân tự bỏ vốn để mở đường sản xuất khai thác lâm nghiệp với mục đích phát huy thế mạnh địa phương, khai thác kinh tế rừng mà chưa cần đến sự đầu tư của Nhà nước. Đó chính là ý chí vươn lên làm giàu chính đáng và thể hiện sức mạnh đoàn kết trong nhân dân. Việc thu phí đường của thôn Nà Khoa có đúng pháp luật hay không, có gây cản trở và đi ngược lại lợi ích của người dân không, rất cần được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện Na Rì xem xét, làm rõ./.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm