Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên trẻ ra trường cầm tấm bằng đại học, thậm chí cao học không thể xin được việc làm. Từ nhu cầu của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà máy tuyển dụng ít, trình độ chuyên môn của sinh viên chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng...
![]() |
Nhiều sinh viên cầm tấm bằng Đại học phấn khởi sau khi tốt nghiệp. |
Tỷ lệ nghịch thiếu và thừa
Việc chọn ngành nghề theo trào lưu hơn là theo năng lực của bản thân đã dẫn đến tình trạng có ngành tìm sinh viên không đủ chỉ tiêu, trong khi có ngành thí sinh cạnh tranh rất gay gắt. Thực tế này dẫn đến lo ngại nguy cơ lệch cán cân nguồn nhân lực trong tương lai.
Mặt khác, cách làm kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào những gì mình có đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… và nhu cầu đăng ký của học sinh rồi mở rộng đào tạo, cố gắng tuyển thật nhiều để đảm bảo nguồn thu hoặc giảm chỉ tiêu những ngành học có ít học sinh đăng ký, trong khi lao động trong nhóm ngành này đang khan hiếm.
Từ năm 2012 toàn tỉnh đã áp dụng hình thức xét tuyển tại các huyện, thị xã. Đối với tỉnh ta năm 2013 số chỉ tiêu cần tuyển hơn 500 công chức, viên chức với một số ngành nghề cần tuyển dụng. Trong năm này toàn tỉnh cũng mới chỉ tuyển dụng được 399 công chức, viên chức. Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các thí sinh đều bị loại ở vòng phỏng vấn. Nhưng vấn đề là đối với một tỉnh miền núi như Bắc Kạn chỉ tiêu được giao thì hạn chế, nhưng lượng thí sinh nộp hồ đăng ký tham gia thì quá tải.
Trao đổi với về vấn đề tuyển dụng công chức, viên chức của tỉnh ta đồng chí Dương Văn Hoạt- Phó phòng Tổ chức cán bộ-Sở Nội vụ cho biết: Tỷ lệ thí sinh đăng ký nộp hồ sơ vào quá nhiều, con số chưa thể thống kê hết được. Nhưng tình trạng một số ngành nghề như y tá, y sĩ, điều dưỡng trung học, sư phạm tiểu học đang dư thừa. Điển hình như huyện Pác Nặm trong năm 2013 số chỉ tiêu cần tuyển là 50 người, nhưng có tới 637 hồ sơ đăng ký. Đối với huyện Na Rì ngành giáo dục cần tuyển 22 chỉ tiêu thế nhưng số hồ sơ lên đến 114 thí sinh đăng ký tham gia…Trung cấp sư phạm tiểu học có 11 chỉ tiêu nhưng con số gần 300 hồ sơ đăng ký tuyển dụng.
Sau 3 năm tốt nghiệp loại khá khoa thể dục thể thao, trường Đại học sư phạm Thái Nguyên, Hoàng Bích Huệ thị xã Bắc Kạn vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển giáo viên của các địa phương trong tỉnh, Huệ lại tất bật đi nộp hồ sơ. Những bộ hồ sơ vẫn cứ được gửi đi mà không có hồi âm trở lại. Không riêng gì trường hợp của Huệ, hiện nay nhiều sinh viên đang phải ở nhà loay hoay với tấm bằng đại học chưa biết định hướng đi đâu về đâu.
Số sinh viên đang thiếu việc làm ngày càng gia tăng không chỉ đối với tỉnh ta mà là tình trạng chung của cả nước. Từ khi tiến hành đổi mới, Nhà nước không phân công công tác cho các sinh viên tốt nghiệp ra trường, dẫn đến quy mô, cơ cấu đào tạo của các trường đại học, cao đẳng không ăn khớp với nhu cầu của thị trường lao động. Trong thời gian vừa qua, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội. Quyền đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành đào tạo do người học tự quyết định, nhiều gia đình nặng tư duy cho con đi học những ngành nghề hiện tại đang được đánh giá cao, không tính đến tương lai khi tốt nghiệp ra trường.
Sinh viên thiếu kỹ năng, kinh nghiệm
Hầu hết số sinh viên ra trường đều được đánh giá qua các đợt xét tuyển. Theo đồng chí Dương Văn Hoạt- Phó phòng Tổ chức cán bộ-Sở Nội vụ cho biết: Ngoài việc đánh giá điểm học tập của các em qua các đợt xét tuyển, các đơn vị cũng phải xét tới năng lực, trình độ và kĩ năng của các thí sinh. Qua các cuộc phỏng vấn nhiều em chính vì thiếu kỹ năng mềm là: thuyết trình, thuyết phục người đối diện, vi tính, ngoại ngữ…nên dẫn đến không đạt yêu cầu.
Tại các đợt tuyển dụng Sở Nội vụ đã chỉ đạo các huyện, thị xã trên toàn tỉnh thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, dán thông báo từ huyện đến các xã để sinh viên nắm bắt được thông tin. Thế nhưng các em thường bị động khi tìm việc, đây là một những trong lỗi thường mắc phải của sinh viên mới ra trường. Thường thì họ sẽ dựa vào hoặc ỷ lại vào bố mẹ hoặc chờ đợi một công ty, cơ quan nào đó đến tìm mình...
Ngoài những nguyên nhân khách quan từ phía nhu cầu thị trường lao động, cơ cấu đào tạo giữa các ngành nghề mất cân đối... thì chính bản thân sinh viên còn thiếu rèn luyện kỹ năng, thực hành thực tế cũng như kỹ năng mềm đã khiến họ rơi vào tình trạng khó khăn khi xin việc làm. Trong các cuộc tuyển dụng nhiều sinh viên có thể rất giỏi về kiến thức chuyên môn nhưng kỹ năng thực hành lại khá chậm, chính vì lẽ đó mà nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp rất ngần ngại tiếp nhận những sinh viên mới ra trường thiếu kinh nghiệm khó đáp ứng được công việc.
Theo thống kê cho thấy số sinh viên mới tốt nghiệp chiếm trên 50%, thiếu kiến thức thực tế, thiếu kỹ năng, vì vậy họ sẽ gặp nhiều khó khăn để tìm được việc làm phù hợp. Thời gian qua, nhu cầu việc làm của lao động có trình độ đại học tại một số ngành nghề như kế toán, nhân sự, xây dựng, tài chính - ngân hàng, quản lý… luôn cao hơn nhu cầu tuyển dụng. Điển hình như Đại học tài chính ngân hàng hiện nay toàn tỉnh đang thừa 35 người chưa xin được việc làm, Đại học Nông lâm thừa 18 người, Đại học công tác xã hội thừa 13 người… Do đó, nhiều sinh viên không thể kiếm được việc, hoặc phải chuyển sang làm những công việc trái ngành, thấp hơn trình độ đào tạo.
Nhiều yếu tố khách quan đã dẫn đến tình trạng sinh viên không những của tỉnh ta mà trên cả nước đang rơi vào tình trạng thất nghiệp, không tìm kiếm được việc làm. Đây cũng là mối lo ngại của toàn xã hội. Thiết nghĩ vấn đề này, cần có sự vào cuộc phối hợp của các ngành, các cấp, giải quyết được nhu cầu việc làm cho các sinh viên, hạn chế được tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Cần định hướng ngay từ khi chọn ngành, nghề
Trao đổi về vấn đề sinh viên khó tìm việc đồng chí Ma Xuân Thu- Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” càng trở thành tâm điểm khi nhiều cử nhân, thạc sĩ đăng ký học lại trung cấp, cao đẳng nghề vì thất nghiệp, nhiều ứng viên không dám đưa tấm bằng đại học vào hồ sơ xin việc vì sợ mất cơ hội từ nhà tuyển dụng. Tấm bằng đại học không còn là tấm vé thông hành cho các cử nhân khi thị trường lao động đang bị bão hòa bởi số lượng lớn lao động có bằng đại học và sau đại học.
Những ứng viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghề với lợi thế về kiến thức cũng như kỹ năng được đào tạo bài bản đang có những cơ hội lớn trong việc cạnh tranh tìm kiếm cơ hội và phát triển nghề nghiệp. Đã đến lúc các bậc phụ huynh và các em học sinh cần thay đổi quan điểm của mình về chọn trường, chọn nghề. Để giúp các bậc phụ huynh và các em học sinh có một cái nhìn tổng quan hơn về tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” trong xã hội hiện nay, từ đó xác định được hướng đi đúng đắn trong việc chọn trường, chọn nghề. Từ nay đến năm 2020 Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng chiến lược điều tra cung-cầu thị trường lao động trên địa bàn, xã hội đang cần ngành nghề từ đó sẽ định hướng tuyên truyền cho mọi người để lựa chọn phù hợp ngay từ lúc thi tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.
Việc đào tạo nguồn nhân lực phần lớn phụ thuộc vào ngành giáo dục, để giải quyết tình trạng này, trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện các giải pháp như rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong cả nước. Bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Giáo dục Đại học và các quy định của pháp luật, phù hợp với Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các địa phương./.
Bích Ngọc