Vi phạm nồng độ cồn, nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chiến dịch tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhất là việc gửi thông báo vi phạm về cơ quan đối với trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên nhận được sự ủng hộ của dư luận, qua đó góp phần giảm thiểu vi phạm về nồng độ cồn nói riêng và vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) nói chung.

Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới nêu rõ: “Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Việc vi phạm về nồng độ cồn sẽ được xử lý xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 3.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 3.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, từ ngày 31/8 đến 31/10/2023 toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 368 trường hợp với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trong đó có 42 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Đại uý Nông Đức Anh, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Khi nhận được thông tin chính xác các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn là cán bộ công chức, cơ quan CSGT gửi thông tin vi phạm của cá nhân đó tới các cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật về công chức, viên chức và điều lệ của cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang. Hiện nay một số cơ quan đã gửi báo cáo kết quả xử lý đối với cán bộ, đảng viên đó như: Nghiêm khắc kiểm điểm trước cơ quan, cắt toàn bộ thi đua của cá nhân đó trong năm”…

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hàng chục trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm về nồng độ cồn đồng thời cơ quan Công an gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị của cá nhân vi phạm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn là "không có vùng cấm", dù bất cứ là ai; thể hiện thái độ quyết liệt của cơ quan quản lý đối với vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông.

Về mặt pháp luật, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của pháp luật giao thông thì bị xử phạt hành chính, nếu nghiêm trọng hơn thì bị xử lý hình sự. Đó là hình thức chế tài bình đẳng như mọi công dân khác trước pháp luật.

Bên cạnh đó cán bộ, đảng viên vi phạm còn phải chịu hình thức kỷ luật của cơ quan, đơn vị mình công tác. Đó mới là sự khác biệt giữa giữa một người dân bình thường với một cán bộ, đảng viên. Hiểu theo nghĩa tích cực, đó là cách để cán bộ, đảng viên phải làm gương tốt, làm hạt nhân văn minh, xây dựng môi trường văn hóa và chấp hành pháp luật cho cộng đồng noi theo.

Việc tăng cường kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đã góp phần tích cực vào việc lập lại TTATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Việc tăng cường kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đã góp phần tích cực vào việc lập lại TTATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Tai nạn giao thông ở Việt Nam thuộc vào loại "thảm họa quốc gia", cho nên phải bằng mọi cách ngăn chặn, kéo giảm. Muốn vậy thì mọi công dân, mọi tổ chức, cá nhân đều phải vào cuộc, chung tay xây dựng một môi trường giao thông văn minh, thượng tôn pháp luật...

Muốn làm được điều đó, ngoài tuyên truyền thì ngành chức năng phải sử dụng công cụ pháp luật, thẳng tay xử phạt, hoặc xử lý hình sự. Ngoài cơ quan pháp luật, các cơ quan đơn vị khác cũng phải xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm, để tăng tính răn đe, giáo dục chung cho toàn xã hội.

Có thể nói, việc quyết liệt kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong thời gian qua trên cả nước nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng đang tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân./.

Xem thêm