Về vùng hồng ở Quảng Bạch

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, Quảng Bạch hiện có diện tích hồng không hạt lớn nhất ở huyện Chợ Đồn. Đây còn là địa chỉ tập trung nhiều cây đầu dòng phục vụ nghiên cứu, tuyển chọn, nhân giống để cung cấp cây con ra các vùng lân cận.

Một trong những cây hồng đầu dòng ở thôn Bản Lác được đánh dấu để phục vụ nghiên cứu, nhân giống, giữ gìn nguồn gen quý.
Một trong những cây hồng đầu dòng ở thôn Bản Lác được đánh dấu để phục vụ nghiên cứu, nhân giống, giữ gìn nguồn gen quý.

Hồng không hạt vào vụ thu hoạch

Bắt đầu từ tháng 7, tháng 8 âm lịch, quả hồng bắt đầu chín rộ, ngả màu vàng bóng. Chúng tôi đến Bản Lác, một trong những thôn có diện tích hồng lớn của xã Quảng Bạch. Từ Quốc lộ 3C rẽ vào thôn khoảng 3 cây số, hai phần ba quãng đường đã được đổ bê tông, ô tô có thể đi lại. Là vùng có cây ăn quả nổi tiếng, từ đầu thôn chúng tôi đã bắt gặp những gốc hồng trồng ở ven đường, bên suối, dưới ruộng, chỗ đất trống. Gần đây, một số diện tích đất ruộng còn được bà con chuyển đổi hẳn sang trồng loại cây ăn quả này. Nhờ phát triển cây ăn quả mà đời sống người dân ngày một khấm khá, nhiều hộ xây dựng được nhà cửa khang trang.

Quảng Bạch hiện có 41ha hồng không hạt, trong đó khoảng 20ha đang cho thu hoạch. Theo thống kê của xã, sản lượng năm 2020 đạt 121 tấn quả, năm 2021 khoảng 94 tấn. 

Bản Lác có hơn 10ha cây hồng không hạt, 70 hộ dân sinh sống tại đây, nhà nào cũng trồng hồng, nhiều thì lên tới 300 gốc, ít thì hàng chục gốc. Mỗi vụ cả thôn bán ra vài chục tấn quả, mang về nguồn thu nhập đáng kể. Anh Ma Văn Nghiêm là hộ có diện tích hồng lớn ở thôn với khoảng 300 gốc, trong đó hơn 100 gốc đang cho thu hoạch. Từ đầu vụ tới nay, gia đình anh đã thu hái được hơn 1 tấn quả, bán tại chỗ với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nghiêm cho biết: "Người dân nơi đây kinh tế phần lớn chỉ trồng chờ vào trồng rừng và cây ăn quả. Đến nay chưa có loại cây nào mang lại giá trị kinh tế cao như cây hồng, đầu ra lại thuận lợi, ổn định, được các thương lái đến tận vườn tìm mua". Có những năm hồng sai quả, chín không kịp bán, anh Nghiêm đã đi tìm mối tiêu thụ ở các tỉnh miền xuôi. Có nơi yêu cầu phải cung ứng đủ 5 tấn quả/tuần, tuy nhiên diện tích hiện tại của thôn và cả xã gom lại cũng không thể đáp ứng đủ số lượng trên. Anh Nghiêm tỏ ra tiếc nuối bởi nguồn cung hồng không hạt trong vùng vẫn còn hạn chế.

Gia đình ông Triệu Văn Ngự ở Bản Lác đang sở hữu hơn 200 gốc hồng hơn 10 năm tuổi. Ông cho biết: "Hồng ở đây được rất nhiều người ưa thích bởi có màu vàng sẫm, tỷ lệ đường cao, ngọt đậm, sắc. Hầu hết người dân không phải mất công đi bán mà đều được thương lái gọi điện đặt mua. Năm nay quả tuy không sai nhưng giá cả vẫn ổn định, gia đình tôi đã bán được trên 5 tạ".

Tích cực phòng trừ bệnh thán thư gây hại

Theo đồng chí Nông Văn Thẩm- Chủ tịch UBND xã Quảng Bạch: "Thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước, diện tích hồng tại địa phương đã tăng lên đáng kể. Riêng 2 năm nay, xã đã trồng mới được 13ha, nâng tổng diện tích hồng không hạt lên 41ha, trong đó khoảng 20ha đang cho thu hoạch, chủ yếu tập trung ở các thôn Bản Lác, Khuổi Vùa, Khuổi Đăm... Nhiều năm trở lại đây, xã còn được tiếp nhận các dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, qua đó giúp bà con trồng, chăm sóc, nhân giống hiệu quả. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là bệnh thán thư gây hại trên cây hồng, diện tích lây nhiễm lên đến 7ha. Đây là bệnh khó chữa, nếu không được phòng trừ hiệu quả, nguy cơ lây lan ra rất cao". Do ảnh hưởng của thời tiết và bệnh gây hại, sản lượng hồng năm nay giảm đáng kể so với vụ năm trước.

Hiện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Đồn đã thí điểm mô hình đưa một số loại phân bón, chế phẩm sinh học để xử lý bệnh trên cây hồng, diện tích thí điểm khoảng 1ha, tương đương với 400 cây tại thôn Bản Lác. Công tác phòng bệnh vẫn đang được ngành chuyên môn triển khai.

Mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng hồng không hạt vẫn là cây trồng không mất nhiều công chăm sóc, sau 5 năm là được thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Nhằm nâng cao giá trị cây ăn quả, mở rộng thị trường, trên địa bàn xã đã thành lập HTX Tân Phong với 30 thành viên, qua đây giúp bà con biết cách tổ chức sản xuất, tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm. HTX có 3ha hồng canh tác theo hướng VietGAP. Năm 2019 quả hồng không hạt của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được tham gia tại "Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn" tại thị trường Hà Nội. Đây chính là cơ hội để quả hồng không hạt trên địa bàn có thể vươn xa.

Ông Triệu Văn Ngự ở thôn Bản Lác thu hái hồng không hạt.
Ông Triệu Văn Ngự ở thôn Bản Lác thu hái hồng không hạt.

Quảng Bạch là nơi có nhiều cây hồng lâu năm, các chuyên gia đã lựa chọn được 20 cây đầu dòng để phục vụ cho việc nghiên cứu, nhân giống. Thông qua các chương trình tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nhiều hộ dân ở đây đã có thể tự chiết ghép cây, nhân giống bán ra thị trường. Thời gian tới, bà con tiếp tục mong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương trong việc hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại, hỗ trợ phát triển, mở rộng diện tích trồng hồng không hạt theo vùng đã được quy hoạch để từng bước đưa cây ăn quả đặc sản này phát triển bền vững/.

Thu Trang

Xem thêm