Văn hóa tổ chức hội nghị và những lá phiếu bầu

0:00 / 0:00
0:00
BBK -  Những năm gần đây tại hầu hết các cơ quan, đơn vị trong tỉnh việc sơ, tổng kết, đánh giá cuối năm đã có nhiều tiến bộ, được tổ chức gọn, nhẹ, nội dung đi vào thực chất. Công tác đánh giá, xếp loại, thi đua - khen thưởng cũng đã quan tâm đến nhiều đối tượng khác nhau, nhất là cán bộ, nhân viên, người lao động trực tiếp.

Không ít lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã quan tâm xây dựng nhân tố điển hình, động viên cán bộ, công chức, viên chức mạnh dạn đăng ký thi đua, đổi mới lề lối làm việc, cải tiến và ứng dụng sáng kiến, đề tài vào thực tiễn công tác, sản xuất. Nhiều lãnh đạo đã nhường thành tích, chia sẻ quyền lợi cho cấp dưới vì mục đích chung, từng bước xây dựng môi trường tập thể đoàn kết, thi đua và đậm chất văn hóa, nhân văn.

Nhờ vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ trẻ, cán bộ, nhân viên, người lao động được cống hiến công sức, trí tuệ, phát huy được năng lực, sức sáng tạo và đạt được danh hiệu, thành tích cao trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, công tác đánh giá, sơ, tổng kết, xếp loại, thi đua khen thưởng có biểu hiện thiếu dân chủ, thiếu thực chất, khách quan và không đảm bảo nguyên tắc tự phê bình và phê bình để lại nhiều điều suy ngẫm, dễ tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết nội bộ, tạo tiền lệ xấu về cách hành xử của người đứng đầu.

Biểu hiện dễ nhận thấy tại các hội nghị đó thường triển khai quá nhiều nội dung được trình bày nguyên văn, chưa được tóm tắt, phân tích, tổng hợp. Sau đó có một vài ý kiến phát biểu về những vấn đề dường như chưa bao giờ được bàn bạc, phân tích để tìm hướng giải quyết thấu đáo như: Tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, lề lối điều kiện làm việc, tác phong công tác…; rút kinh nghiệm, phát huy những việc đã làm được, rồi phương hướng, nhiệm vụ, kết luận bế mạc chung chung.

Những hội nghị kiểu như vậy đã làm lãng phí thời gian, công sức nên trong hội nghị thường xuất hiện nhiều người làm việc riêng, tranh thủ trao đổi, chuyện trò và hầu như không để ý đến người khác phát biểu, tùy tiện sử dụng điện thoại hoặc vào mạng để giải trí. Nếu có bị nhắc nhở thì ngụy biện là khai thác tài liệu phục vụ hội nghị.

Cũng có nơi do bận công tác chuyên môn nên việc sinh hoạt Đảng, chính quyền, đoàn thể thường tranh thủ ngoài giờ hành chính, thậm chí có nơi hợp thức biên bản hội họp là chính. Vì thế, chất lượng hội nghị cũng khó đạt kết quả như mong muốn.

Lá phiếu bầu thường phản ánh hệ quả của quá trình phân tích, đánh giá, phê bình, đóng góp để mỗi cá nhân và tập thể biết được thực chất hiệu quả công việc của mình để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại.

Bước này một số đơn vị thường làm còn hình thức; nhiều khi chưa bỏ phiếu thì người ta đã tiên đoán được kết quả theo 2 nhóm. Nhóm cao phiếu thường được gọi vui là nhóm “đường, sữa” gồm những vị có thực quyền, ưa thành tích; thích đánh bóng bản thân, sợ khuyết điểm, sợ va chạm hoặc hiền lành, không làm gì ảnh hưởng đến ai. Nhóm thấp phiếu được gọi vui là nhóm “cuốc, xẻng” thường ít dám đăng ký thi đua danh hiệu bậc cao, ít có chính kiến, rồi cả mấy vị làm thì tốt nhưng hay nói ngang… nên thường chịu nhiều thua thiệt. Có lẽ vì vậy mà nảy sinh chủ nghĩa trung bình, an phận thủ thường, mất đi động lực, khát vọng phấn đấu trong đời sống của người lao động hiện nay tại không ít đơn vị, cơ quan.

Bàn thêm về chuyện phiếu bầu cao- thấp cũng có nhiều căn nguyên dẫn đến tâm lý: Dù không thích, không phục, nhưng cũng không nên gạch tên lãnh đạo. Phải chăng những câu hò vè dân gian vẫn đè nặng lên suy nghĩ của không ít người “Muốn béo thì ghẹo ong, muốn long đong thì ghẹo lãnh đạo”. Quả vậy, một số người khi không được 100% phiếu thường tỏ ra khó chịu.

Thực ra nếu có người chưa thực sự bằng lòng và chưa bỏ phiếu cho mình cũng là điều tốt, để bản thân có dịp tự soi, tự sửa, hoàn thiện mình hơn. Chớ nên tìm mọi cách để lần ra “kẻ xấu”, làm cho không khí cơ quan, đơn vị thêm căng thẳng.

Cố nhiên, cũng phải kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tình trạng định kiến, hẹp hòi, cục bộ, bản vị trong việc bình xét, đánh giá đồng nghiệp theo cảm tính cá nhân, mà ít quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc hằng ngày của họ. Vô hình trung sẽ làm cho những người dám đương đầu với những khó khăn, mạnh dạn đổi mới, thẳng thắn đấu tranh với tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí tại mỗi cơ quan, đơn vị dần vắng bóng.

Thiết nghĩ, hiện tượng trên cần được mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong mỗi cơ quan, đơn vị xem xét nghiêm túc, kịp thời có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội nghị, cuộc họp. Đẩy mạnh công tác tư tưởng, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đoàn thể để việc tổ chức hội nghị cũng như việc đánh giá, thi đua, khen thưởng hằng năm thực sự trở thành động lực cho quá trình phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần xây dựng môi trường văn hóa công sở, đơn vị, doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực sự năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

HOÀNG NAM

Xem thêm