Tự hào vùng quê cách mạng Ngân Sơn

0:00 / 0:00
0:00
BBK -  Chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9 cũng là dịp để chúng ta cùng ôn lại những trang sử hào hùng của huyện Ngân Sơn - một trong những vùng quê cách mạng gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Dâng hương tại Khu di tích Coỏng Tát, xã Thượng Ân (nơi diễn ra sự kiện thành lập Chi bộ Chí Kiên).

Dâng hương tại Khu di tích Coỏng Tát, xã Thượng Ân (nơi diễn ra sự kiện thành lập Chi bộ Chí Kiên).

Hào hùng vùng quê cách mạng Ngân Sơn

Theo cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng Ngân Sơn 1939 – 1954, do Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ngân Sơn xuất bản năm 1991, ghi lại: Ngày 09/3/1945, giặc Nhật bất ngờ nổ súng đảo chính Pháp. Chỉ trong vòng một ngày, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã hoàn toàn tan rã, thực dân Pháp một lần nữa đầu hàng phát xít Nhật. Cuộc đảo chính đó đã tạo ra một tình thế rất thuận lợi cho cách mạng nước ta, hai kẻ thù Pháp – Nhật đã bị suy yếu. Trước tình hình đó, Đảng ta đã kịp thời chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nội dung bản Chỉ thị kêu gọi toàn dân đẩy mạnh phong trào kháng Nhật, cứu nước, tranh thủ thời cơ giành chính quyền ở từng địa phương, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong nước.

Như rắn mất đầu, bọn thực dân Pháp và tay sai ở Ngân Sơn hoang mang sợ hãi. Quân Pháp vội vàng rút khỏi một số đồn, bốt ở Ngân Sơn, chúng để lại lực lượng lính khố xanh đóng ở đồn Ngân Sơn do tên đồn trưởng Đờ-Đông chỉ huy. Chính quyền tay sai từ huyện xuống đến xã hầu như tê liệt hoàn toàn. Trong khi chính quyền Pháp hoang mang tan rã thì quân Nhật vẫn chưa kịp đến Ngân Sơn. Cách mạng đứng trước một tình thế vô cùng thuận lợi, thời cơ vũ trang khởi nghĩa của Nhân dân Ngân Sơn đã đến.

Đêm 22/9/1943, tại thác nước Coỏng Tát, thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân, châu Ngân Sơn, đồng chí Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp), Chi bộ Nam Tiến tổ chức kết nạp những hội viên trung kiên vào Đảng, gồm đồng chí Thành Tâm (tức đồng chí Đồng Văn Bằng) và đồng chí Đông Sơn (tức đồng chí Doanh Hằng) và tuyên bố thành lập Chi bộ Chí Kiên do đồng chí Nghĩa (tức đồng chí Dương Mạc Hiếu) là đảng viên, cán bộ Nam Tiến phụ trách tổng Bằng Đức làm Bí thư Chi bộ.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Chí Kiên, các đội tự vệ chiến đấu tiến hành diệt trừ Việt gian, tước súng lính đóng ở một số nơi. Trong khi đó, một bộ phận của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chia làm nhiều mũi tiến công tiến về phía Nam. Một trung đội tiến qua Thượng Ân, Cốc Đán, Hà Hiệu sang châu Chợ Rã. Một trung đội đi từ xã Thịnh Vượng, châu Nguyên Bình (Cao Bằng) tiến qua Đức Vân, Thượng Quan, Thuần Mang xuống Phủ Thông. Cùng với đó là Mặt trận Việt Minh rải truyền đơn ở khắp nơi, nhất là thị trấn Ngân Sơn, Bằng Khẩu nhằm uy hiếp tinh thần địch… sử dụng các biện pháp vũ trang chiến đấu với địch.

Đến ngày 21/3/1945, châu Ngân Sơn bao gồm 16 xã, kể cả vùng thấp, vùng cao đã được hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng được thiết lập ở hầu hết các xã. Nhân dân các dân tộc Ngân Sơn tưng bừng chào đón ngày giải phóng quê hương.

Thác Coỏng Tát gắn liền với sự kiện thành lập Chi bộ Chí Kiên, Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn.

Thác Coỏng Tát gắn liền với sự kiện thành lập Chi bộ Chí Kiên, Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn.

Tự hào về truyền thống vẻ vang, Nhân dân đoàn kết chung sức xây dựng quê hương

Hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Chi bộ Chí Kiên (22/9/1943 - 22/9/2023), những ngày này tỉnh Bắc Kạn đang tích cực tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc về sự kiện lịch sử thành lập Chi bộ Chí Kiên - chi bộ tiền thân của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn và truyền thống vẻ vang của Đảng bộ huyện, tỉnh qua 80 năm xây dựng, trưởng thành.

Đồng chí Chu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ngân Sơn chia sẻ: Tự hào là quê hương cách mạng, trong những năm qua Ngân Sơn đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết và thực hiện thắng lợi toàn diện trên các mặt công tác. Hiện, Đảng bộ có trên 3.590 đảng viên. Đối với phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; phát triển nông, lâm nghiệp, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương.

Tổng sản lượng lương thực bình quân từ 5 năm trở lại đây luôn ổn định, đạt trên 19.200 tấn, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; bình quân lương thực đạt trên 630kg/người/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Diện tích trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao đạt gần 1.000ha/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được chú trọng, góp phần nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng của huyện đạt trên 65,6%...

Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Ngân Sơn tập trung nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông, lâm nghiệp; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình MTQG, bảo đảm an ninh - trật tự... từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xứng danh với truyền thống cách mạng của quê hương./.

Đình Văn

Xem thêm