Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Bành Trạch (xã Bành Trạch, huyện Ba Bể) đã chính thức chuyển đổi thành Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch.

Việc chuyển đổi từ trường tiểu học sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú đã tạo điều kiện cho học sinh ở các điểm trường vùng cao của xã Bành Trạch được về trường chính sinh hoạt, học tập, nhất là các em học sinh lớp 3 năm nay học các môn Tiếng Anh, Tin học của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Bành Trạch (Ba Bể) được chuyển đổi thành Trường PTDTBT Tiểu học Bành Trạch
Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Bành Trạch (Ba Bể) được chuyển đổi thành Trường PTDTBT Tiểu học Bành Trạch 

5h30 phút sáng, khi tiếng chuông báo thức vang lên, 23 học sinh trong khu nội trú Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch đều tự giác thức dậy, gấp chăn màn gọn gàng, vệ sinh cá nhân, sau đó ra sân tập thể dục. 6h30 phút, các em nhanh chân vào bếp ăn bữa sáng đã được cô nuôi dậy sớm chuẩn bị sẵn. Bữa sáng hôm nay có mì trắng nấu với thịt lợn băm, trông thật ngon miệng, bạn nào cũng ăn hết khẩu phần ăn của mình. Nghỉ ngơi một chút, đúng 7h15 phút các em lên lớp học bài. Giờ học sân trường im phăng phắc, chỉ có tiếng giáo viên giảng bài và học sinh phát biểu. Đối với học sinh lớp 3 năm nay, ngoài môn Toán, Tiếng Việt còn có môn Tiếng Anh và Tin học.

Năm học 2022-2023, toàn bộ học sinh lớp 3 ở điểm trường của xã Bành Trạch (Ba Bể) được đưa về trường chính để học môn Tiếng Anh và Tin học
Năm học 2022-2023, toàn bộ học sinh lớp 3 ở điểm trường của xã Bành Trạch (Ba Bể) được đưa về trường chính để học môn Tiếng Anh và Tin học

Đến thăm lớp 3A trong một tiết Tiếng Anh, không khí học tập thật hào hứng, sôi nổi. Lần đầu tiên các em học sinh vùng cao được làm quen với một môn học, ngôn ngữ hoàn toàn mới. Bài học không chỉ được cô giáo viết lên bảng mà còn được chiếu lên màn hình rộng, nhiều hình ảnh minh hoạ sinh động, các đoạn hội thoại, bài hát vui nhộn để trò học theo.

Hôm nay được học chủ đề về số đếm, tất cả học sinh trong lớp, trong đó có cậu bé Sùng Văn Đức, dân tộc Mông, ở thôn Nà Dụ, rất hào hứng, chăm chú. Nhanh nhẹn, hoạt bát Đức xung phong giơ tay lên trước lớp đọc và chỉ các con số bằng Tiếng Anh một cách lưu loát. Đức hài hước: “ngoài số đếm được bằng tiếng Mông con còn biết đếm bằng tiếng Việt và bây giờ là tiếng Anh. Sau này về nhà con sẽ dạy lại cho mọi người”.

Em Lý Thị Minh Thư, nhà ở thôn Nà Còi, ngày nào mới vào trường còn khóc, chạy bám theo mẹ ra tận cổng trường, giờ đây khá chủ động trong cuộc sống sinh hoạt và học tập. Hôm nay Thư và một bạn gái còn lên bục giảng để giới thiệu tên, tuổi của mình, hỏi thăm sức khoẻ bằng tiếng Anh một cách rất tự tin.

Học sinh lớp 3 được làm quen với máy tính trong giờ Tin học
Học sinh lớp 3 được làm quen với máy tính trong giờ Tin học

Cô giáo Hoàng Thị Hoè, giáo viên tiếng Anh của trường cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên thực hiện việc đưa môn tiếng Anh vào giảng dạy đối với lớp 3. Qua một thời gian trực tiếp lên lớp, tôi thấy học sinh ở đây rất hứng thú với môn học mới này, dù các em còn nhiều bỡ ngỡ. Các bài giảng được thiết kế theo chương trình khá hay, phù hợp, các em đều có thể tiếp thu được, nhất là những phần thực hành đoạn hội thoại, tập hát bằng tiếng Anh các em rất thích thú".

Sau giờ học tiếng Anh, các em bước vào giờ Tin học. Đối với nhiều em học sinh lớp 3 ở các thôn bản vùng cao xuống, đa số là lần đầu tiên các em biết đến chiếc máy tính, con chuột. Được thầy giáo hướng dẫn từng bước, các em đã biết những thông tin cơ bản về máy tính dùng để làm gì? cách bật, tắt máy, sử dụng con chuột để điều khiển, bảo vệ cơ thể khi sử dụng máy tính…Giờ Tin học khá say mê, nhiều khi dù đã hết giờ, các em vẫn muốn nán lại học. Thầy giáo dạy môn Tin học Ma Văn Huỳnh cho biết.

Hết giờ học các em tham gia lao động chăm sóc vườn hoa cây cảnh trong khuôn viên nhà trường
Hết giờ học các em tham gia lao động chăm sóc vườn hoa cây cảnh trong khuôn viên nhà trường

Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch hiện có 266 học sinh, trong đó có 152 em đang học ở trường chính, còn114 em học ở 06 điểm trường lẻ. Năm học 2022-2023, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, 23 học sinh lớp 3 ở các phân trường được đưa xuống trường chính để có điều kiện học các môn Tiếng Anh, Tin học. Toàn trường hiện có 2 lớp 3, tổng số 48 học sinh. Là năm đầu tiên thực hiện mô hình trường bán trú, thực chất là tổ chức cho học sinh ăn ở nội trú, nên nhà trường phải cố gắng nỗ lực rất lớn.

Cô Triệu Thị Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tháng 4 năm 2022, nhà trường nhận chủ trương về việc chuyển đổi mô hình trường hiện tại sang trường phổ thông bán trú, ngay sau đó bắt tay xây dựng đề án chuyển đổi mô hình. Vì thời gian khá gấp, yêu cầu đặt ra là làm sao đến đầu năm học mới, mô hình bán trú phải được vận hành. Một thử thách rất lớn đối với tập thể các thầy cô giáo trong nhà trường.

Song song với việc bố trí, sắp xếp, chuẩn bị cơ sở vật chất để đón học sinh ở các điểm trường về học tập, sinh hoạt thì công tác vận động gia đình, phụ huynh học sinh cũng là vấn đề rất quan trọng. Thời điểm đó các thầy cô giáo khá lo lắng, liệu khi triển khai mô hình bán trú, phụ huynh có đồng thuận cho con xuống học xa nhà hay không? Rất may, trong quá trình tuyên truyền, vận động nhà trường đã nhận được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh. Không thể tính hết bao nhiêu ngày công lao động được huy động để sắp xếp, tổ chức lại toàn bộ trường cho phù hợp với mô hình mới. Thời điểm đó diễn ra vào những ngày hè nắng nóng, các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh làm việc cật lực với mục tiêu hoàn thành toàn bộ công việc để học sinh có chỗ ăn, ngủ, học hành vào đầu năm học mới.

Học sinh ở trường được vui chơi, hoà đồng với bạn bè
Học sinh ở trường được vui chơi, hoà đồng với bạn bè

Ở giai đoạn 1, năm học 2022-2023 từ ngôi trường bình thường chuyển sang mô hình bán trú, tạo điều kiện ăn ở cho hơn 20 em học sinh là cả vấn đề khó khăn. Vì cơ sở vật chất chưa được đầu tư, bắt buộc trường phải dồn ghép các phòng ban của cán bộ giáo viên thành phòng ở cho học sinh, phòng họp Hội đồng sử dụng làm lớp học, do năm nay đông học sinh hơn.

Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, với sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhà trường, các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh, một số nhà hảo tâm… ngôi trường bán trú đã cơ bản đủ các điều kiện cần thiết để đưa vào hoạt động trong năm học đầu tiên. Doanh nghiệp tư nhân Hữu Thành, ở thành phố Thái Nguyên ủng hộ 1 máy giặt và 270 bộ đồng phục cho nhà trường. Những lúc trời mưa ẩm ướt, không có chỗ phơi, các cô giáo sẽ sử dụng máy giặt, còn hiện tại các học sinh được hướng dẫn tự giặt quần áo cho mình. Doanh nghiệp Rồng vàng 1988 ở Hà Nội tài trợ gần 700 áo ấm mùa đông và nhiều phần quà có giá trị. Hội Chữ thập đỏ quận Hai Bà Trưng Hà Nội ủng hộ 01 hệ thống năng lượng mặt trời và 02 bình nóng lạnh phục vụ nước ấm cho học sinh tắm vào mùa đông…

Các cô giáo như cha mẹ hướng dẫn các học trò từng kỹ năng sống, chăm sóc bản thân
Các cô giáo như cha mẹ hướng dẫn các học trò từng kỹ năng sống, chăm sóc bản thân

Trong điều kiện cơ sở vật chất chưa được đầu tư, trường đã linh hoạt sử dụng nhà vệ sinh đồng thời làm phòng tắm. Bố trí một phòng vừa làm bếp nấu vừa làm phòng ăn. Các thầy cô thay phiên trực đêm tại trường để quản lý học sinh. Từ khi chuyển thành trường bán trú, các thầy cô ngoài giờ lên lớp còn phải gánh vác thêm nhiều công việc, nhiệm vụ nên việc về muộn hơn so với trước đây diễn ra thường xuyên.

Trường như ngôi nhà thứ hai của cả thầy và trò. Các em lần đầu tiên xa gia đình khi mới 8-9 tuổi nên còn bỡ ngỡ, rụt rè, nhất lại là học sinh ở thôn bản vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế các thầy cô giáo ở đây lại càng thương yêu các em hơn, coi học sinh như chính những đứa con của mình. Cảm nhận lần đầu khi đến đây là sự tận tâm của các thầy cô giáo, gần gũi, trách nhiệm, ngoài chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, các thầy cô còn hướng dẫn các em kỹ năng sống, lao động, ôn bài...

Các bữa ăn của học sinh đầy đủ dinh dưỡng
Các bữa ăn của học sinh đầy đủ dinh dưỡng

Chiều thứ Sáu, như thường lệ, chị Triệu Mùi Chản, mẹ của học sinh Đặng Văn Mẫn, ở thôn Khuổi Khét lại vượt chặng đường 15 km đến trường đón con về nhà. Ban đầu xa nhà, con trai chị hơi buồn một chút, nhưng nay đã quen với thầy cô, bạn bè, nên khi về nhà rất nhớ trường, nhớ lớp, sáng Chủ nhật lại đòi mẹ đưa xuống trường. Chị Chản cảm thấy yên tâm khi con được học tập, sinh hoạt ở đây bởi điều kiện còn tốt hơn ở nhà nhiều.

Anh Nguyễn Minh Đức, bố học sinh Nguyễn Minh Hiếu ở thôn Nà Nộc cũng vậy, dù bận công việc nương rẫy, nhưng chiều thứ Sáu phải sắp xếp để đón con khi tan trường về nhà, chủ Nhật lại đưa con xuống trường. Thấy con mình được các thầy cô chăm sóc tận tình, ăn uống, sinh hoạt nền nếp, anh tin rằng con anh sẽ tiến bộ hơn trong học tập, rèn luyện. Anh Đức cho biết: “Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt cho đồng bào vùng cao nên các con anh có cơ hội được học hành tốt như thế này”.

Cuối tuần phụ huynh đón các con về nhà chơi
Cuối tuần phụ huynh đón các con về nhà chơi

Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch là một trong những ngôi trường có không gian đẹp, quy củ, nhiều hoa, cây xanh nhờ bàn tay chăm bón của các thầy cô và học sinh ở đây. Một ngôi trường thân thiện, nơi đó các thầy cô giáo nỗ lực hết mình để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, vì sự phát triển của giáo dục vùng cao còn nhiều khó khăn./.

Một ngày ở Trường PTDTBT Tiểu học Bành Trạch

Phương Thảo

Xem thêm