Trứng kiến - món quà độc đáo của rừng

Những ngày này, đến vùng cao Bắc Kạn, “khách phương xa” sẽ biết đến thức quà mà người dân vẫn gọi “lộc rừng”- trứng kiến, món ăn có phần kén người thưởng thức nhưng nếu được nếm thử sẽ không sao quên được hương vị thơm ngon, ngọt bùi...

Đồng bào người dân tộc Tày ở huyện Ba Bể làm bánh trứng kiến
Đồng bào người dân tộc Tày ở huyện Ba Bể làm bánh trứng kiến.

Đến những bản làng người dân tộc Tày ở huyện Ba Bể, nhắc đến trứng kiến, hầu hết ai cũng biết về thức quà này và tự hào giới thiệu. Anh Phùng Văn Khâm, người dân thôn Nà Lẻ, xã Quảng Khê đã nhiều năm đi tìm trứng kiến. Theo anh Khâm, đồng bào dân tộc Tày thường chỉ lấy trứng của loài kiến đen, hay còn gọi là tua rày, kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn. Loài kiến này thường làm tổ, đẻ trứng trên những chạc cây trong rừng. Trứng kiến đen có màu trắng sữa, to gần bằng hạt gạo, mỗi tổ kiến cho khoảng 1-2 lạng trứng. Để tìm được một tổ kiến ngon và nhiều chất dinh dưỡng phải lựa chọn tổ có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài, khi nào lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì trứng kiến bên trong sẽ rất nhiều và căng tròn mọng sữa.

Anh Khâm cho biết thêm: Vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 âm lịch là trứng kiến có nhiều nhất. Tìm trứng kiến phải cất công lên rừng già, trèo lên thân cây to hoặc bụi rậm để lấy tổ kiến. Nếu may mắn gặp được nhiều tổ kiến thì một buổi sáng có thể tìm được 1-2kg. Trứng kiến hiện nay có giá từ 250.000- 300.000 đồng/kg. Đây được coi là đặc sản của tháng 3 âm lịch, nhiều gia đình để dành trong ngăn đá tủ lạnh, sau đó mang ra rã đông, chế biến, trứng kiến vẫn thơm ngọt.

Nhắc về trứng kiến, có thể kể đến rất nhiều món ngon đến từ “lộc rừng”, trứng kiến được chế biến làm nhân xôi, nhân bánh, ăn gỏi, nấu cháo, nấu canh, rán trứng… Là người dân Bắc Kạn, chắc hẳn ai cũng biết đến thức quà bánh trứng kiến và xôi trứng kiến, đây là hai món ăn phổ biến nhất.

Xôi trứng kiến được đồ với nhiều màu sắc đẹp mắt.
Xôi trứng kiến với nhiều màu sắc đẹp mắt.

Bánh trứng kiến được làm từ lá vả, bột nếp và nhân trứng kiến. Nhắc đến món bánh này, bà Hoàng Thị Son, người dân thôn Nà Lườn, xã Hoàng Trĩ nhớ lại: “Ngày xưa trứng kiến có nhiều, chỉ làm mỗi nhân trứng kiến thôi. Ngày nay, tổ kiến tìm khó hơn và đời sống khá nên khi làm nhân bánh sẽ rang thịt ba chỉ, đến khi thịt chuyển màu vàng nhẹ và ra mỡ sẽ cho trứng kiến xuống đảo đều tay trên lửa, như vậy trứng kiến không bị vỡ nát”. Phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp đãi sạch rồi ngâm qua đêm, sáng hôm sau vớt ra để ráo nước. Sau đó, gạo nếp mới được đem xay thành bột và nhào nặn với nước cho đến khi bột có độ dẻo, mịn và không còn dính tay. Khác với những món bánh nếp thường được gói bằng lá chuối hay lá dong, bánh trứng kiến sẽ gói bằng lá vả đã bỏ phần cuống và gân lá. Lá vả phải được hái khi còn non, vị man mát, có tác dụng thanh nhiệt, dịu nhẹ, tốt cho sức khỏe. Sau khoảng 35-40 phút hấp trên bếp lửa, bánh sẽ chín. Khi nếm thử bánh trứng kiến, người thưởng thức sẽ không sao quên được vị béo ngậy của thịt, vị ngon bùi của trứng kiến, sự mềm dẻo của bột nếp, vị mát thanh của lá vả, sự hòa quyện đặc biệt đó đã tạo nên thức quà đặc trưng của vùng cao.

So với bánh trứng kiến, xôi trứng kiến được làm đơn giản hơn. Bà Ma Thị Thách, người dân thôn Nà Slải, xã Hoàng Trĩ cho biết: Cùng với bánh trứng kiến, xôi trứng kiến cũng là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ ngày 3/3 âm lịch hằng năm. Xôi được đồ bằng gạo nếp ngon và trộn đều với trứng kiến. Xôi trứng kiến thơm dẻo, béo ngậy là món ăn được nhiều người nhớ, vì dễ chế biến nên nhiều gia đình khi đến mùa trứng kiến lại làm thường xuyên. Chúng tôi gọi trứng kiến là lộc của rừng ban tặng, rừng cho người dân nhiều thứ lắm nên bà con đều bảo nhau nâng cao ý thức bảo vệ rừng và bảo vệ loài kiến đen, khi lấy trứng không dùng lửa đốt mà để kiến chui vào lá cây xung quanh, mỗi năm sẽ để một thời gian để chúng sinh sôi…

Mùa trứng kiến sắp đi qua. Những ngày này, có dịp ghé chợ phiên sẽ bắt gặp các bà, các mẹ bán bánh trứng kiến và đặc biệt hơn là những rổ trứng kiến nhỏ xinh. Đó là món quà dinh dưỡng quý từ núi rừng và những bàn tay khéo léo của đồng bào miền núi tạo nên hương vị đặc trưng riêng của Bắc Kạn./.

Bích Phượng

Xem thêm