Triển vọng cho nông sản Bắc Kạn

Sự kiện hàng nông sản thực phẩm Bắc Kạn xuất khẩu vào Nhật Bản là cú “hích”, thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển. Từ đó nâng cao nhận thức, tư duy của người làm nông nghiệp, cũng như các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm hàng hóa.

Sự kiện hàng nông sản thực phẩm Bắc Kạn xuất khẩu vào Nhật Bản là cú “hích”, thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển. Từ đó nâng cao nhận thức, tư duy của người làm nông nghiệp, cũng như các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm hàng hóa.

Công nhân Công ty MISAKI chế biến mơ xuất khẩu.
Công nhân Công ty MISAKI chế biến mơ xuất khẩu.


Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Bắc Kạn với Tập đoàn Quế Lâm (chuyên sản xuất, cung ứng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ Organic), lãnh đạo Tập đoàn này đã đánh giá, hàng hóa nông sản thực phẩm Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ (Organic), xuất khẩu vào thị trường Châu Âu mà Nhật Bản còn chưa dùng thì phải hiểu tiêu chuẩn của họ đòi hỏi cao thế nào. Vậy mà, hiện nay Bắc Kạn đã có sản phẩm chế biến từ quả mơ, củ gừng, rau cải,… xuất khẩu vào Nhật Bản, quả là rất đáng mừng.

Các loại sản phẩm mơ, gừng, rau cải đã qua chế biến của Công TNHH Việt Nam MISAKI có trụ sở tại Khu công nghiệp Thanh Bình chưa được chứng nhận sản phẩm Organic, tuy nhiên lại đường hoàng vào Nhật, chứng tỏ chất lượng của các loại củ, quả này rất tốt. Quy trình sản xuất các nông sản này chưa có gì đặt biệt, nếu không muốn nói là từng bị bỏ hoang (như quả mơ); chăm sóc hạn chế (củ gừng). Do đó có thể nói, phần quan trọng không kém để làm nên chất lượng nông sản Bắc Kạn là nhờ chất đất, nước, không khí sạch mang lại.

Hiện nay, sau 03 năm sản xuất, chế biến xuất khẩu, Công ty MISAKI mới đang làm hồ sơ để cấp chứng nhận HACCP (tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế). Để đánh giá chất lượng sản phẩm quả mơ (Cao Kỳ), củ gừng (Tân Sơn), rau cải (Bằng Phúc), chuyên gia Nhật Bản đã bám trụ một năm tại vùng nguyên liệu này, đồng thời tiến hành nghiên cứu và nhiều thử nghiệm.

Được sự tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh Bắc Kạn, Công ty TNHH MISAKI ra đời tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới, sản xuất chế biến hàng nông sản xuất khẩu vào Nhật Bản từ năm 2017 đến nay. Hiệu quả của việc xuất khẩu vào Nhật Bản đã được khẳng định. Riêng đối với Công ty, sản lượng chế biến, doanh thu ngày càng tăng qua từng năm. Không những thế, Công ty đã và đang tiếp tục mục tiêu mở rộng nhà xưởng, đặt hàng nhiều loại sản phẩm khác như cây tía tô, cây rau cải, dưa chuột (giống của Nhật), măng bát độ, củ kiệu… để phục vụ chế biến xuất khẩu. Về phía tỉnh Bắc Kạn, diện tích mơ, gừng đã mở rộng; quy trình chăm sóc do Công ty hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học. Đặc biệt, nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã hình thành trong cán bộ và cả người dân.

Thực tế, Bắc Kạn đã có sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ là nghệ lát sấy khô của Công ty nông sản Bắc Kạn. Tuy nhiên, do chi phí cao nên doanh nghiệp này chưa đủ điều kiện để lập hồ sơ chứng nhận. Giám đốc Công ty nông sản Bắc Kạn Hà Văn Cường cho biết: Công ty có 50ha nghệ đăng ký sản xuất hữu cơ thì tổ chức kiểm nghiệm phải thực hiện trong 10 ngày (mỗi ngày 5ha), chi phí công mỗi ngày 400 đô-la. Ngoài ra, các khoản chi phí khác cũng rất lớn. Nhưng toàn bộ chi phí này chỉ sử dụng cho diện tích được kiểm nghiệm trong vụ đó. Qua năm, trồng lại thì phải kiểm nghiệm lại, rất tốn kém.

Tới đây, nhiều địa phương trong tỉnh sẽ đăng ký sản xuất nông nghiệp hữu cơ một số mặt hàng. Cụ thể như, huyện Chợ Mới sẽ sản xuất cây mơ, cây chè, cây gừng; Ba Bể sản xuất cây bí xanh thơm; huyện Chợ Đồn sản xuất gạo Japonica và gạo Bao Thai; Na Rì sẽ sản xuất cây dong riềng… Quá trình sản xuất hữu cơ chắc chắn sẽ rất “chông gai” với nhiều quy định ngặt nghèo, tuy nhiên, “không làm thì bao giờ mới làm, xu thế bắt buộc phải tiến dần tới sản xuất hữu cơ, khó mấy cũng phải làm; các cấp, ngành chức năng và người dân, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến hàng nông sản cần phải nhận thức rõ được điều này”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa khẳng định tại buổi làm việc với Tập đoàn Quế Lâm như vậy.

Lợi thế của Bắc Kạn được chuyên gia đánh giá là nước sạch, đất sạch, không khí sạch… Nếu sản xuất, chăm sóc đúng quy trình sẽ cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ví dụ điển hình là sản phẩm từ quả mơ, củ gừng đã có mặt ở Nhật Bản và đang ngày càng phát triển. Hiện nay, Bắc Kạn đã có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, tiêu chuẩn VIETGAP, được chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, chứng nhận Chỉ dẫn địa lý… thể hiện được nhận thức và quyết tâm sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các loại mặt hàng đạt được những tiêu chuẩn trên có sức bán cao hơn các sản phẩm cùng loại nhưng chưa có thương hiệu. Nhưng chỉ dừng ở tiêu chuẩn trên thì nông sản Bắc Kạn cũng chưa đủ điều kiện xuất khẩu mà chỉ là sản phẩm tiêu dùng trong nước. Do vậy, trước xu thế bắt buộc, quyết tâm của tỉnh là từng bước chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trước mắt thực hiện sản xuất những mặt hàng có lợi thế.

Với những lợi thế sẵn có, cùng với sự quyết tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, nhiều loại nông sản Bắc Kạn đã và đang đứng trước triển vọng lớn xuất khẩu, vượt khỏi tầm biên giới quốc gia, thu về ngoại tệ, củng cố lòng tự tin sản xuất nông nghiệp sạch của người dân trên địa bàn tỉnh./.
 

Phan Quý

Xem thêm