Phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ:

Triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2024 có trọng tâm, trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra vào chiều 02/02.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố, để đánh giá công tác CCHC năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo dự, chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Các đồng chí lãnh đạo dự, chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Báo cáo tại Phiên họp cho thấy, trong năm 2023, công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai những nhiệm vụ quan trọng để đẩy mạnh CCHC. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, thông thoáng, kịp thời hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giá, Luật Đấu thầu...

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến rõ nét. 20/20 bộ, cơ quan ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 bộ, cơ quan ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Cải cách tài chính công có những chuyển biến tích cực, một số bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có nhiều kết quả, mô hình tốt.

Tại địa phương, đã giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh, giảm 236 đơn vị sự nghiệp công lập. Cả nước có khoảng 81% TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt trên 28% và tại các địa phương đạt trên 39%...

Trên cơ sở gợi ý thảo luận của Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, rào cản, đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác CCHC trong thời gian tới. Đồng thời nêu một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc sớm chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thiện tính năng hỗ trợ đánh giá Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp, phục vụ hiệu quả việc theo dõi, kiểm soát ở địa phương…

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện CCHC, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong nhiệm vụ CCHC năm qua.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm cao, quyết liệt, chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm. Kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo, khơi thông các nguồn lực, bổ sung động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng đề nghị: Năm 2024, các cấp, ngành cần đẩy mạnh CCHC cả 6 lĩnh vực, thực hiện có trọng tâm trọng điểm. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tập trung đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí tuân thủ và chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả, tinh giản biên chế nhưng phải cơ cấu lại và nâng cao năng lực thực thi và trách nhiệm của công chức, viên chức. Đối với cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, văn hóa công sở và đạo đức công vụ, tăng cường trách nhiệm cá nhân và tập thể trong giải quyết công việc. Cải cách tài chính công phải tập trung tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, phòng chống tiêu cực tham nhũng trong sử dụng tài chính công. Xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, công dân số, tăng cường làm việc trên không gian mạng.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Từng thành viên BCĐ và các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tăng tốc và bứt phá, phát huy tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về CCHC…/.

Xem thêm