Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về chính sách tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Sáng 29/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.

Dự và điều hành hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); Dương Quyết Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NHCSXH.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn.

Theo báo cáo tại hội nghị, qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật; huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn lớn, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng. Nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng qua các năm. Đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 279.738 tỷ đồng, tăng 290.633 tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%.

Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tạo điều kiện cho 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay hơn 830.000 tỷ đồng...

Về phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030, NHCSXH xác định nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, gồm: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tập trung huy động, đa dạng hóa nguồn lực; triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí Thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao việc triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ trong suốt 20 năm qua, góp phần vào sự phát triển chung, nâng cao đời sống người dân.

Đồng ý với phương hướng, nhiệm vụ được nêu lên tại hội nghị, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. NHCSXH cần khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống trong thời gian qua. Duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Chủ động nghiên cứu, đề xuất để mở rộng đối tượng được vay, nâng mức cho vay để phù hợp với tình hình thực tế. Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ. Xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nội dung công tác thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp.../.

Xem thêm