Khoản nợ khó đòi từ dự án trồng rừng nguyên liệu giấy (Bài 1)

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về lâm nghiệp của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho người dân, trong giai đoạn 2002 – 2004 tỉnh Bắc Kạn triển khai trồng rừng nguyên liệu để phục vụ “Nhà máy bột giấy”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên việc thực hiện không thành công dẫn đến tiền ngân sách đầu tư trở thành “khoản nợ khó đòi”, người dân bức xúc.

Kỳ 1: “Đi tắt đón đầu”

Năm 2001, các Lâm trường Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Ngân Sơn và Na Rì được tổ chức lại thành các đơn vị trực thuộc Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu (nay là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn). Nhiệm vụ chính của Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu là: Xây dựng Dự án vùng nguyên liệu giấy và triển khai tổ chức thực hiện; cung ứng nguyên liệu giấy cho Nhà máy bột giấy; kinh doanh chế biến lâm sản; quản lý đội ngũ cán bộ, công nhân trong toàn Công ty theo phân cấp của UBND tỉnh.

Cây luồng của hộ gia đình ông Lý Văn Nguyên, thôn Nà Vài, xã Lãng Ngâm (Ngân Sơn) trồng cho dự án Nhà máy bột giấy hiện nay vẫn còn
Cây luồng của hộ gia đình ông Lý Văn Nguyên, thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) trồng cho dự án "Nhà máy bột giấy" hiện nay vẫn còn

Năm 2002, Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan xây dựng cơ chế, định mức trồng rừng nguyên liệu giấy, đồng thời tiến hành xây dựng Dự án vay vốn đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy để vay vốn từ Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển tỉnh Bắc Kạn nhưng không được UBND tỉnh phê duyệt nên không vay được vốn từ Quỹ này. Trong khi đó hoạt động trồng rừng nguyên liệu giấy đã được triển khai, vì vậy để giải quyết vấn đề về vốn Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu đã vay vốn ngân sách của tỉnh để thực hiện trồng rừng trong năm 2002 và năm 2003.

Theo báo cáo của Công ty Lâm Nghiệp Bắc Kạn gửi UBND tỉnh ngày 29 tháng 10 năm 2021 thì quá trình triển khai thực hiện trồng rừng nguyên liệu giấy từ năm 2002 – 2004 được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư bằng ngân sách tỉnh tạm cấp và cho vay. Tổng số tiền Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu được UBND tỉnh cấp và cho vay để thực hiện trồng rừng nguyên liệu giấy trong năm 2002 – 2003 là 6.880 triệu đồng. Trong hai năm 2002, 2003, Công ty đã thực hiện trồng được gần 3.100ha, trong đó diện tích rừng trồng cây luồng gần 1.100ha, còn lại là rừng trồng cây keo.

Riêng năm 2004, mặc dù UBND tỉnh không phê duyệt hồ sơ thiết kế trồng rừng, không ban hành cơ chế đầu tư, không bố trí vốn, nhưng Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu vẫn phối hợp với các huyện triển khai trồng rừng với diện tích thực hiện hơn 1.883ha, trong đó rừng trồng cây luồng hơn 709ha, số vốn đầu tư hơn 3.750 triệu đồng (sử dụng nguồn vốn của Công ty).

Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2002 – 2004 Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu đã vay vốn từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện trồng rừng nguyên liệu giấy được hơn 4.967ha, (tổng số vốn đã đầu tư thực hiện hơn 10.699 triệu đồng, số vốn ghi nợ cho dân hơn 7.290 triệu đồng, số vốn đã thu hồi của dân được 2.602 triệu đồng). Hiện nay, trách nhiệm Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn cần phải trả lại số tiền ngân sách mà tỉnh đã cho vay là 4.880 triệu đồng. Để trả được khoản vay này, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn phải thu hồi số tiền 4.688 triệu đồng từ người dân tham gia trồng rừng (đây là số tiền mà Công ty đã vay của tỉnh để chi trả cho các công đoạn, phần việc theo hợp đồng mà Công ty đã ký kết với người dân như: Đầu tư vốn theo dự toán thiết kế được duyệt và kết quả nghiệm thu thối lượng; tiền cây giống, chi phí phân bón hóa học, thiết kế, chi phí hướng dẫn kỹ thuật theo định mức, đơn giá được duyệt theo khối lượng thực hiện.)

Nhà máy giấy "nằm trên giấy”

Do nhiều nguyên nhân vướng mắc nên dự án Nhà máy bột giấy công suất 5.000 tấn/năm không được xây dựng và thực hiện như kế hoạch và kỳ vọng nên việc “đi tắt đón đầu” trồng rừng nguyên liệu giấy tại các huyện trên địa bàn tỉnh đã không đạt được kết quả như mong đợi. Rừng trồng cây keo, cây luồng đến tuổi khai thác không được công ty thu mua như cam kết dẫn đến những bức xúc trong dân, người dân không hợp tác với Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu (nay là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn) để trả vốn đã nhận nợ với Công ty.

Hợp đồng của người dân vẫn còn lưu giữ và người dân cho rằng vẫn còn giá trị pháp lý
Hợp đồng của người dân vẫn còn lưu giữ và người dân cho rằng vẫn còn giá trị pháp lý 

Kết luận về việc thanh tra toàn diện đối với Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn giai đoạn 2015 – 2019 của Thanh tra tỉnh Bắc Kạn, ban hành ngày 15 tháng 6 năm 2021, có kiến nghị: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn có biện pháp khẩn trương thu hồi phần vốn đã vay từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu giấy giai đoạn 2002 – 2004 đến nay chưa trả. Đồng thời gắn trách nhiệm việc hoàn trả tiền vay về ngân sách tỉnh với trách nhiệm cá nhân, tập thể ban lãnh đạo Công ty.

Theo ông Phạm Văn Thường- Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn cho biết: Ngày 20 tháng 5 năm 2022, UBND tỉnh Bắc Kạn có công văn gửi đến Công ty và UBND các huyện, thành phố. Nội dung công văn nêu rõ, đối với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn chủ động làm việc trực tiếp với chính quyền các địa phương để phối hợp thực hiện việc triển khai thu hồi nợ, hoàn trả ngân sách tỉnh số tiền đã vay để thực hiện trồng rừng nguyên liệu giấy giai đoạn 2002 – 2004, với số tiền 4.880 triệu đồng; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện giúp đỡ để Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn thu hồi khoản vốn vay của các hộ dân tham gia trồng rừng nguyên liệu để hoàn trả ngân sách. Theo đó, ngày 26 tháng 5 năm 2022 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Công ty lập danh sách chi tiết các hộ dân còn nợ tiền vốn vay trồng rừng nguyên liệu giấy để thu hồi khoản vốn vay của các hộ dân tham gia trồng rừng giai đoạn 2002 – 2004. (còn nữa)

Văn Lạ

Xem thêm