Tài chính - Ngân hàng:

Tín dụng chính sách với công tác giảm nghèo

Nguồn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác cải thiện, từng bước nâng cao điều kiện sống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân nguồn vốn tạo việc làm tại xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn).
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân nguồn vốn tạo việc làm tại xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn).

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai rộng rãi, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo và giải quyết việc làm. Một loạt các chương trình tín dụng chính sách đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai tới cơ sở, đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn của các đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Cụ thể, tính chung giai đoạn 2003 - 2020, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã có hơn 136.000 lượt hộ nghèo được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống với số tiền hơn 2.780 tỷ đồng.

Thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ cận nghèo vay sản xuất, kinh doanh để cải thiện đời sống, giảm nguy cơ tái nghèo, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho hơn 19.600 lượt hộ với số tiền 942 tỷ đồng.

Thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm, ngoài nguồn vốn của Trung ương, NHCSXH tỉnh đã nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương các cấp giải ngân cho hơn 21.504 lao động với số tiền 642,7 tỷ đồng, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 22.006 lao động. Nguồn vốn này đã góp phần tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nhằm hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững được thực hiện theo 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giai đoạn 2 thực hiện theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở danh sách các hộ trong đề án UBND tỉnh phê duyệt, NHCSXH tỉnh đã đáp ứng nhu cầu vốn cho 100% các hộ đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, giải ngân được 40 tỷ đồng...

Nhìn chung, các chính sách, chương trình tín dụng được triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống. Qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong từng giai đoạn: Giai đoạn 2001 - 2005 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,03%/năm; giai đoạn 2006 - 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6,6%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,1%/năm; giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,1%/năm (từ 29,4% xuống 18,5%).

Theo số liệu rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh năm 2022, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh là 22.308 hộ, tỷ lệ 27,3%; hộ cận nghèo là 7.765 hộ, tỷ lệ 9,5%. Mục tiêu của tỉnh đề ra giai đoạn 2021 - 2025 mỗi năm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 2,5%.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách với công tác giảm nghèo, theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc lập danh sách, số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hằng năm để làm cơ sở triển khai cho vay các chương trình tín dụng tương ứng, chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đảm bảo đúng đối tượng, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện. Ngoài ra, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát quản lý vốn vay; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.../.

Hoàng Vũ

Xem thêm