Tìm hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, giá cả một số mặt hàng nông sản bấp bênh... đã tác động mạnh đến giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, tìm giải pháp để phát triển bền vững ngành nông nghiệp là một hướng đi cần thiết.

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, giá cả một số mặt hàng nông sản bấp bênh... đã tác động mạnh đến giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, tìm giải pháp để phát triển bền vững ngành nông nghiệp là một hướng đi cần thiết.

Quýt quang thuận bước đầu đã được chế biến lấy tinh dầu
Quýt quang thuận bước đầu đã được chế biến lấy tinh dầu


Trong nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn, giá trị kinh tế mang lại không cao. Giá cả các mặt hàng bấp bênh, thường xuyên trong tình trạng được mùa rớt giá. Ngược lại, người dân canh tác manh mún, tự phát, khi thấy hiệu quả thì trồng nhiều, không hiệu quả phá bỏ, thiếu liên kết.

Từ thực tiễn đó, người dân đang được định hướng canh tác, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất. Ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững, đổi mới giống cây trồng, phát triển có chọn lọc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, một số loại cây ăn trái có thế mạnh, phù hợp với thị trường, phát huy tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên để trồng các loại cây ăn quả như: cam, quýt, ổi…

Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ và chuỗi liên kết. Khuyến khích chuyển đổi đất lúa, mía kém hiệu quả sang cây trồng khác và nuôi thủy sản, chuyển đổi chăn nuôi từ lợn sang loại khác như gia cầm, dê, đại gia súc... Tăng sản xuất lúa gạo theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Cây lúa cũng bắt đầu lựa chọn được giống cho chất lượng, năng xuất và sản phẩm, từng bước hình thành vùng chuyên canh tại Chợ Đồn, Bạch Thông
Cây lúa cũng bắt đầu lựa chọn được giống cho chất lượng, năng xuất và sản phẩm, từng bước hình thành vùng chuyên canh tại Chợ Đồn, Bạch Thông ...

Một số giống mới được đưa vào trồng và sản xuất tạo vùng chuyên canh đã mang lại hiệu qua bước đầu. Đối với đất trồng lúa, sau hơn hai năm thử nghiệm, nhân rộng, tỉnh Bắc Kạn đã thành công đưa vào canh tác giống lúa Japonica J02 và QJ4 của Nhật Bản trên đồng đất địa phương. Xác định đây là giống lúa mới, chất lượng cao, phục vụ phát triển sản xuất hàng hóa, từ năm 2018, Bắc Kạn bắt đầu thử nghiệm gieo cấy các giống lúa Japonica tại các huyện Bạch Thông, Ngân Sơn và Chợ Đồn.

Tại hai tiểu vùng khí hậu khác nhau là Chợ Đồn và Ngân Sơn, mô hình thử nghiệm giống J02 và QJ4 đều cho kết quả tốt. Tại Chợ Đồn, giống lúa mới có nhiều ưu điểm vượt trội về tính thích ứng và khả năng chống chịu sâu bệnh; bông lúa to, hạt sáng; năng suất ước đạt từ 60 - 65 tạ/ha. Tại Ngân Sơn, giống lúa J02 và QJ4 đều sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, giống QJ4 sau khi cấy hồi xanh và sinh trưởng tốt hơn; tỷ lệ bọ rầy gây hại thấp hơn so giống khác; giống J02 đạt năng suất hơn 56 tạ/ha; giống QJ4 hơn 60 tạ/ha.

Kết quả thử nghiệm đã được củng cố, khẳng định trong vụ xuân năm 2019 và được nhân rộng trong năm 2020, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Với lợi thế có các cánh đồng liền khu, liền khoảnh, thuận tiện cho việc chăm sóc, theo dõi nên toàn xã Đồng Thắng (Chợ Đồn) có 280 hộ tại 20 thôn đăng ký tham gia mô hình trồng lúa chất lượng. Với giá thu mua 7.000 đồng/kg thóc, sau trừ các chi phí thì lợi nhuận người dân thu được hơn 800.000 đồng/1.000 m2.

Sản phẩm miến dong nhãn hiệu tập thể đã chính thức xuất khẩu
Sản phẩm miến dong nhãn hiệu tập thể đã chính thức xuất khẩu

Mới đây, ngày 16/7, HTX Tài Hoan chính thức ký kết hợp đồng với Công ty DALAT Spol.s.r.o xuất khẩu 5,3 tấn miến dong sang Praha, Cộng hòa Séc. Tổng giá trị đơn hàng gần 15.000 USD. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm nông sản của Bắc Kạn vươn tới thị trường châu Âu. Để được xuất khẩu, sản phẩm của HTX phải hoàn thiện tất cả những tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm... Như vậy có thể thấy, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan bước đầu đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất, được phía đối tác công nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu, phát huy tối đa nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn.

Việc liên kết đã được người dân, HTX, doanh nghiệp nỗ lực thực hiện. Điển hình là trong hợp tác thu mua và sản xuất quả mơ tại xã Cao Kỳ (Chợ Mới). HTX Cao Kỳ hiện đang là đại lý cấp 1, thu mua toàn bộ mơ của thành viên và bà con để cung cấp cho Công ty TNHH Việt Nam MISAKI (Nhật Bản) sản xuất, chế biến tại Khu công nghiệp Thanh Bình. Để đạt hiệu quả, HTX đã thống kê chính xác diện tích để xây dựng phương án thu mua hợp lý, ký biên bản, cam kết với từng thành viên và người dân theo hợp đồng.

Lựa chọn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX Nhung Lũy (Ba Bể) đã đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Để có diện tích chuyên canh lớn, HTX Nhung Lũy (Ba Bể) đã thành lập các tổ liên kết trồng nguyên liệu với 60 thành viên, trong số này có nhiều hộ nghèo. Khi tham gia liên kết, HTX đã trực tiếp tạo việc làm, giúp tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập cho thành viên. Các sản phẩm của HTX từng bước tiếp cận thị trường tiềm năng như siêu thị, hệ thống cửa hàng sạch tại Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận. 

Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa là hướng đi của ngành nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới. Để xây dựng vùng chuyên canh đủ lớn, đủ chất lượng, cần đẩy mạnh liên kết hộ, liên kết tổ, liên kết các HTX, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang xây dựng một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh như: trồng cây nghệ ở Pác Nặm; cam, quýt ở Bạch Thông; chè ở Chợ Đồn, Chợ Mới; cây mơ ở Cao Kỳ (Chợ Mới); dong riềng, bí xanh thơm (Ba Bể); lúa Nhật trên đất Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn...

Mặc dù có những tín hiệu đáng mừng, song tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh chưa cao, phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Đặc biệt là thiếu các doanh nghiệp đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ còn hạn chế, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa ổn định. Đây là những nút thắt cần sớm tháo gỡ để sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển một cách bền vững, hiệu quả./.

Trần Tuyến

Xem thêm