Thực trạng xuất cảnh lao động trái phép ở Ba Bể

Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền và ngành chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo về hệ lụy khó lường từ việc xuất cảnh lao động trái phép, song tình trạng người dân sang Trung Quốc làm thuê ở nhiều địa phương vẫn không giảm, trong đó có huyện Ba Bể.

Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền và ngành chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo về hệ lụy khó lường từ việc xuất cảnh lao động trái phép, song tình trạng người dân sang Trung Quốc làm thuê ở nhiều địa phương vẫn không giảm, trong đó có huyện Ba Bể.

Thực trạng xuất cảnh trái phép

Hai năm trở lại đây, tình trạng xuất cảnh trái phép ở nông thôn trên địa bàn tỉnh ta ngày càng gia tăng, điều này đặt ra thách thức cho công tác quản lý, ngăn chặn những hệ lụy từ việc xuất cảnh trái phép cho các cơ quan chức năng. Huyện Ba Bể là một trong những địa phương nhiều người dân nông thôn xuất cảnh trái phép đang ngày càng gia tăng. Chính từ việc suy nghĩ không thấu đáo, sự mơ tưởng công việc nhàn, lương cao theo những lời truyền miệng, dụ ngọt mà nhiều người đã bất chấp hiểm nguy vượt biên giới sang Trung Quốc để kiếm việc làm thuê.

Chị Th, thôn Pác Nghè 2 cho biết: Điều thu hút người dân đi xuất cảnh lao động trái phép chính là việc mỗi chuyến đi không mất nhiều tiền phí đi lại và sự tự do, dễ dàng trong sử dụng lao động của người Trung Quốc. Có người khi trở về kể lại, ở bên đó họ chỉ cần có người bảo lãnh cho là được, tiền công được nhận theo từng buổi làm việc; không đòi hỏi bằng cấp, bằng học nghề, toàn những việc nhà nông vốn quen làm như: Chặt mía, gặt lúa, bẻ ngô, thợ xây, đóng gạch, phát cỏ rừng trồng... Mỗi đợt đi từ 1-3 tháng, tùy vào công việc cũng kiếm được từ 5 triệu đến chục triệu đồng. Đối với những hộ nghèo sống ở nông thôn, thường xuyên thiếu việc làm, đó là một số tiền lớn...

Một buổi tuyên truyền Luật xuất nhập cảnh cho người dân xã Phúc Lộc
Một buổi tuyên truyền về xuất khẩu lao động ở xã Phúc Lộc

Trên địa bàn huyện Ba Bể, các địa phương có nhiều lao động nông thôn xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê như các xã: Đồng Phúc, Quảng Khê, Khang Ninh, Địa Linh… Theo số liệu thống kê của Công an huyện Ba Bể, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn huyện có 146 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động "chui". Vào dịp cuối năm, nông nhàn, nhiều nông dân ở các thôn bản thường lén lút qua lại biên giới, khiến tình hình ngày càng trở nên khó kiểm soát.

Ông Dương Văn Cừ- Trưởng Công an xã Địa Linh cho biết: Ở xã Địa Linh nhiều người theo nhau xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Chỉ tính từ tháng 12/2014 đến nay, xã đã có trên 30 người sang Trung Quốc, tập trung ở các thôn Pác Nghè 1, Pác Nghè 2, Bản Váng 1, Tát Dài, Nà Lìn. Phần lớn lao động xuất cảnh trái phép do đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm và một số do thời điểm nông nhàn, khi đã thu hoạch xong mùa vụ kiếm thêm việc làm để tăng thu nhập.

Tại xã Đồng Phúc, theo thống kê của công an xã, tính đến tháng 8/2015, toàn xã hiện còn 17 người đang ở bên Trung Quốc, nhiều người đi lại nhiều lần trong năm. Rải rác ở các thôn Cốc Coọng, Nà Cà, Bản Chán, Nà Bjoóc, Tẩn Lượt… Anh Hoàng Văn Tưng, Trưởng Công an xã Đồng Phúc cho biết: Có thời điểm, có thôn có gần chục người theo nhau đi Trung Quốc làm thuê. Trước và sau Tết Nguyên đán nông nhàn là lúc người dân đi nhiều nhất. Nhiều người khi trở về nói rằng, đi Trung Quốc kiếm việc dễ dàng hơn nhiều: Không cần giấy tờ, không cần nhiều tiền, chỉ cần vài trăm nghìn là có thể đi được. Lên Cao Bằng, theo đường cửa khẩu Tà Lùng, rồi theo đường mòn vượt sang bên kia nước bạn, phần lớn họ vượt biên vào lúc buổi tối nên ít bị phát hiện, khi quay trở về lại theo đường cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).

Những hệ lụy khó lường

Lao động xuất cảnh trái phép không được chính quyền và luật pháp quốc tế bảo vệ, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, nhiều người suy giảm sức khỏe do lao động nặng nhọc, làm việc liên tục trong nhiều giờ; đã vậy, các công ty Trung Quốc thường không thực hiện các quyền lợi của người lao động như: Chế độ nghỉ ngơi, kiểm tra sức khỏe, bảo hiểm…nguy hiểm hơn, xuất cảnh trái phép còn có nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người, thực tế đã có người bị lâm vào vòng lao lý, xa chồng, con, gia đình li tán...

Căn nhà anh Ma Văn Khởi trở nên vắng vẻ trong niềm mong mỏi, hy vọng người mẹ  của 2 đứa con sẽ sớm trở về.
Căn nhà của anh Ma Văn Khởi trở nên vắng vẻ trong niềm mong mỏi, hy vọng người vợ sớm trở về

Chị Hoàng Thị Ch, sinh năm 1966, trú tại thôn Nà Bjoóc, xã Đồng Phúc là một nạn nhân kể lại: Chị cùng với chị Dương Thị L cùng thôn đã theo một người ở cùng xã sang Trung Quốc. Theo thỏa thuận, công việc của 2 chị em là đảo vữa xây dựng, ngày 8 tiếng, tiền công mỗi ngày hơn 100 nghìn đồng tính theo giá trị tiền Việt Nam. Vượt qua cửa khẩu Tà Lùng, 2 chị em được mấy người lạ mặt đón đi bằng ô tô, men theo con đường heo hút, xa lắc rồi sau một đêm hai người bị tách ra không còn tin tức gì nữa. Chị bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc, sau một năm lưu lạc nơi đất khách quê người, chị đã tình cờ gặp một người ở tỉnh Sơn La, ngày người phụ nữ Sơn La trở về Việt Nam, chị đã kể về hoàn cảnh của mình và xin được về theo…vì thế chị Ch mới thoát thân được về với gia đình. Đi làm thuê kiếm tiền, chẳng kiếm được đồng nào, bị bọn buôn người đem bán, trở về Việt Nam chị còn phải nộp phạt số tiền 5 triệu đồng vì tội xuất cảnh trái phép.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được trở về như chị Ch, cùng thôn và đi cùng chuyến đi ấy có chị Dương Thị L, sinh năm 1982 đến nay đã hơn 1 năm vẫn biệt tung tích. Anh Ma Văn Khởi và chị Dương Thị L đã có hai người con, hoàn cảnh gia đình anh Khởi là hộ nghèo của xã Đồng Phúc, 4 miệng ăn chỉ dựa vào hơn 1 bung ruộng nên năm nào cứ giáp hạt là gia đình thiếu gạo ăn. Cũng chính vì vậy mà chị L phải xa chồng con sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền. Anh Khởi chồng chị cho biết: “Vợ anh đã sang Trung Quốc tất cả 3 lần, 2 lần trước làm công việc chặt mía, cũng có chút tiền mang về, lần nào cũng chỉ đi 2, 3 tháng, đến vụ là về làm ruộng, lần thứ 3 này đã hơn 1 năm chưa thấy quay trở về. Không biết thực hư thế nào, chỉ thấy nói đã bị bán vào làm không công cho một cơ sở sản xuất bàn ghế, một mình anh giờ phải lo cho 2 đứa con ăn học, đã nghèo giờ lại càng bi đát hơn…

Theo nhiều lao động nông thôn cho biết, để lôi kéo lao động sang Trung Quốc, các đối tượng chủ mưu thường tìm gặp, tiếp xúc với những người có hoàn cảnh khó khăn, đang có nhu cầu tìm việc làm, vẽ ra viễn cảnh công việc ổn định, lương cao để lấy lòng tin...

Khó kiểm soát lao động ra nước ngoài trái phép

Ông Dương Văn Cừ- Trưởng Công an xã Địa Linh cho biết: Thời gian qua, xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực xuất, nhập cảnh; lựa chọn thời điểm lao động về quê tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo kẻ xấu xúi giục vượt biên sang Trung Quốc trái phép. Tuy nhiên, mặc dù công tác phối hợp nắm tình hình, quản lý nhân khẩu thường xuyên nhưng do thủ đoạn đưa lao động ra nước ngoài trái phép ngày càng tinh vi. Xã đã quy định mỗi tuần công an viên các thôn báo cáo tình hình công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, nhưng cái khó ở chỗ bên nước bạn không cần các thủ tục giấy tờ gì, do đó, người dân đi cũng không báo tạm vắng vì thời gian vắng nhà 1 năm có thể họ đi lại vài lần. Thậm chí, có những người khai báo với chính quyền địa phương là đi làm công nhân này nọ ở trong nước nhưng thực tế lại sang Trung Quốc, rất khó khăn cho việc ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép ở địa phương.

Trao đổi về tình trạng xuất cảnh trái phép trên địa bàn huyện, đồng chí Nguyễn Văn Dong- Quyền Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Trong 2 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện tình trạng người dân lao động xuất cảnh trái phép ngày càng gia tăng. Xuất cảnh trái phép là vấn đề có tính chất quốc gia, để ngăn chặn vấn đề này, thời gian qua, huyện Ba Bể đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương triển khai tuyên truyền một cách đồng bộ, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhân khẩu; tuyên truyền thủ đoạn của các đường dây đưa, dẫn lao động trái phép, đối tượng buôn bán người đến từng khu dân cư để người dân biết và phòng tránh. Tuy nhiên, xuất cảnh trái phép thường không theo một thời gian, tuyến đường cố định nào nên khó khăn trong công tác kiểm soát. Thời gian tiếp theo, huyện chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; tăng cường quan tâm hỗ trợ vốn vay; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về Luật Xuất nhập cảnh; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác không để các đối tượng xấu lừa gạt, lôi kéo ra nước ngoài trái phép./.

Tùng Vân

Xem thêm