Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2023:

“Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15 tháng 3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, trách nhiệm các cấp các ngành, chính quyền địa phương.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công thương, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 583/KH-UBND ngày 20/12/2022 tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” với các hoạt động: Tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chương trình “Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng”; khuyến khích các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện tri ân người tiêu dùng.

Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trên địa bàn tỉnh trong suốt cả năm 2023. Trong đó, tập trung vào tháng có Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 và các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các mùa mua sắm hoặc các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường.

Chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 là "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn"

Chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 là "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn"

Thực hiện Nghị Quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định và kế hoạch triển khai thực hiện nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật; thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đa dạng hóa phương thức truyền thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng.

Trong năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 482 lượt vụ, phát hiện và xử lý 182 lượt vụ vi phạm hành chính, thu nộp NSNN với tổng số tiền trên 785 triệu đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 570 triệu đồng. Công an tỉnh xử lý vi phạm hành chính 16 vụ/15 đối tượng về các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn hàng hóa theo quy định... tổng số tiền xử phạt hơn 44,2 triệu đồng, tang vật thu giữ 50 sản phẩm hàng hóa máy nông nghiệp, 23 bộ đồ chơi trẻ em...

Chuyển cơ quan Quản lý thị trường xử lý vi phạm hành chính 06 vụ/06 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến lâm sản trái pháp luật, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 26,5 triệu đồng, tang vật thu giữ 57 bộ kit test nhanh với Covid-19, 144 tuýp Hatomugi, 200 hộp SJM Medical Anti UV, một số thực phẩm bánh kẹo, xúc xích, móng giò chế biến sẵn…

Kết quả kiểm tra đợt cao điểm, trước trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 63 vụ trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó xử lý 28 vụ với tổng số tiền thu nộp NSNN là 172 triệu đồng. Buộc tiêu hủy 593 đơn vị hàng hóa thực phẩm kém chất lượng, các hành vi vi phạm chủ yếu về niêm yết giá; nhãn hàng hóa; hàng hóa quá hạn sử dụng; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vận chuyển động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật... các hành vi vi phạm trên đã được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Văn Khánh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường Bắc Kạn cho biết: “Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng luôn được cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước quan tâm. Trên thực tế, mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời và có hiệu lực từ nhiều năm nay, nhưng quyền lợi của nhiều người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm. Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực thi có hiệu quả trong thực tế, cần có những giải pháp đồng bộ trong đó các cơ quan xây dựng pháp luật cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi của các cơ quan chức năng, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…"./.

Xem thêm