Thời tiết nắng mưa, sinh vật gây hại cây trồng nguy cơ bùng phát mạnh

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Thời tiết nắng mưa xen kẽ những ngày qua khiến nhiều diện tích lúa mùa phát sinh sâu bệnh gây hại, đáng chú ý sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên diện rộng, hiện người dân đã và đang chủ động phòng trừ.
Bà con xã Bình Văn (Chợ Mới) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại

Bà con xã Bình Văn (Chợ Mới) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại

Sâu cuốn lá gây hại diện rộng.

Gần 1 tuần nay, ruộng lúa của chị Nguyễn Thị Mười ở thôn Nà Kẹn, xã Nông Thượng (TP Bắc Kạn) có dấu hiệu vàng lá, nhận thấy ruộng biểu hiện bệnh, chị đã đi mua thuốc về phun phòng trừ nhưng chưa hiệu quả vì cứ phun xong thì trời lại mưa. Chị Mười cho biết: “Ruộng của gia đình trồng giống Bao thai, đi thăm đồng thấy nhiều lá bị cuốn, cháy vàng, mọi năm diện tích cũng bị bệnh nhưng không nặng như vậy. Những thửa bên cạnh cũng xuất hiện tình trạng này".

Còn đối với gia đình bà Đinh Thị Quế ở thôn Cốc Xả, xã Quân Hà (Bạch Thông) cấy hơn 2.000m2 lúa nếp, thời điểm lúa đẻ nhánh, diện tích bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại, tuy nhiên vừa mới phát hiện, bà đã phun phòng trừ sớm, sau 2 lần phun, ruộng không bị ảnh hưởng nhiều.

Thời tiết nắng mưa ẩm ướt rất thuận lợi cho sinh vật gây hại.

Thời tiết nắng mưa ẩm ướt rất thuận lợi cho sinh vật gây hại.

Báo cáo từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn, thời điểm hiện nay toàn tỉnh có khoảng hơn 60ha bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại, mật độ phổ biến 5 con/m2, cao 25 con/m2, cá biệt 60 con/m2, phổ biến tại các huyện: Chợ Mới, Ngân Sơn, Na Rì, Pác Nặm, Chợ Đồn, thành phố Bắc Kạn.

Lúa bị sâu cuốn lá tấn công sẽ có các biểu hiện như lá bị cuốn lại thành hình ống và bị dính vào nhau. Các lá bị cuốn tạo ra nơi ẩn náu cho sâu, từ đó sâu tiếp tục ăn lá và gây hại. Khi lúa bị tấn công nặng, lá sẽ mất màu, trở nên vàng hoặc nâu, thậm chí mất đi sức sống và dần suy yếu, ruộng bị nặng, lá trở nên xơ xác, kém năng suất. Sâu cuốn lá thường gây hại vào thời kỳ đẻ nhánh rộ, làm đòng.

Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng cho biết: “Thời gian này, một số sâu bệnh phát triển, gây hại trên tất cả các giống lúa, trong đó có sâu cuốn lá nhỏ ăn lá, bệnh lùn sọc đen. Ở giai đoạn đầu lúa mới cấy, thời tiết hạn, thiếu nước, mạ kém nên cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây, thuận lợi cho sâu bệnh tấn công, gây hại… Ngành chức năng đã có khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ”.

Phòng trừ đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm.

Những ngày tới, dự báo sinh vật gây hại tiếp tục phát triển mạnh, tăng về mật độ như: Bệnh đạo ôn lá, bọ rầy, sâu cuốn lá chủ yếu giai đoạn nhộng - trưởng thành, sâu đục thân, ruồi đục nõn, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn…. Vì vậy bà con cần chủ động thăm đồng, đặc biệt tại những vùng có nguy cơ cao như diện tích cấy giống nhiễm, trồng trong khe, thường xuyên bị nhiễm bệnh trong những vụ trước... để phát hiện sớm sự phát sinh phát triển của bệnh, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Biểu hiện lúa bị sâu cuốn lá nhỏ.

Biểu hiện lúa bị sâu cuốn lá nhỏ.

Ngành chức năng khuyến cáo, sử dụng các biện pháp phòng trừ

Đối với sâu cuốn lá: Theo dõi trưởng thành ra rộ để phát hiện kịp thời lứa sâu tiếp theo, phun trừ khi mật độ sâu cao, sâu non mới nở (sau khi trưởng thành ra rộ 5-7 ngày) và cây lúa đã kết thúc thời kỳ đẻ nhánh bằng một trong các loại thuốc như: Patox 95SP, Gà nòi 95SP, Oshin 20WP, Vi-BT, Bitadin WP, Aizabin WP…

Đối với bệnh nghẹt rễ: Sục bùn để giải phóng bớt khí độc trong đất, nhất là vùng rễ cây lúa, sau đó tháo kiệt nước phơi ruộng 2-3 ngày, bón vôi bột. Sau khi xử lý từ 3-5 ngày, tiến hành kiểm tra nếu thấy cây lúa ra rễ trắng mới và ra thêm lá mới thì sử dụng các loại phân bón qua lá như: Thiên Nông, Đầu Trâu hoặc KOMIC để phun, giúp cây lúa nhanh hồi phục.

Đối với bệnh lùn sọc đen, nguy cơ gây hại trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng đã có văn bản phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường điều tra, giám sát mật độ rầy lưng trắng ngay từ giai đoạn hồi xanh. Thu nhập mẫu rầy lưng trắng tại những xứ đồng thường xuất hiện bệnh từ những vụ trước để giám định nguồn virus bệnh lùn sọc đen, làm căn cứ nhằm phát hiện sớm để chỉ đạo các biện pháp phòng trừ./.

huyện, chi cục trồng trọt, BVTV, một số xã

Xem thêm