Thiếu máy tính, nhà nghèo 3 học sinh không thể học trực tuyến                                                                       

Đã gần 3 tuần nay, trong khi các bạn cùng lớp được học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19 thì ba anh em Phong, Lan, Mai vẫn loay hoay ở nhà với mấy cuốn sách giáo khoa, hết ngủ rồi lại chơi, giúp bố mẹ việc nhà. Thỉnh thoảng, các em lấy sách ra học nhưng cũng chỉ bập bõm. Không máy tính, không điện thoại thông minh các em không thể học trực tuyến.

Nằm sâu trong ngõ nhỏ thuộc tổ Lâm Trường, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn), căn nhà tranh tre vách đất xiêu vẹo là nơi sinh hoạt của gia đình chị Ma Thị Nga và anh Hà Văn Sự. Tuy mới ngoài 30 tuổi nhưng hai vợ chồng đã có tới 4 người con, sàn sàn trong độ tuổi đến trường. Hà Ngọc Phong học lớp 8D; Hà Thị Lan, lớp 6B Trường THCS Huyền Tụng; Hà Thị Mai, lớp 2A Trường Tiểu học Huyền Tụng (TPBK), em út Hà Ngọc Cường, học lớp mầm non 5 tuổi.

  Thiếu máy tính, nhà nghèo 3 học sinh không thể học trực tuyến

                                                                       ảnh 1
Không có máy tính các em Phong, Lan, Mai ở tổ Lâm Trường (phường Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn) chỉ quanh quẩn ở nhà không được học trực tuyến cùng các bạn.

Không nghề nghiệp ổn định, không ruộng, không nương rẫy lại đông con, tài sản duy nhất là mảnh đất chừng 30m2 bố mẹ chia cho để dựng căn nhà tạm khi ở riêng, hiện vẫn chưa có tiền để sửa lại. Vách tường đã bong ra từng mảng, tứ phía gió lùa. Trong căn nhà không có vật dụng gì có giá trị. Gia đình chị Nga, anh Sự là một trong 9 hộ nghèo của tổ Lâm Trường. Là trụ cột chính trong nhà, ngày ngày anh Sự đi làm thuê, khi thì phụ vữa, làm cơ khí, khi thì phát đồi, ai thuê gì làm nấy, thu nhập bấp bênh. Dịch Covid-19 bùng phát khiến công việc của anh thất thường, có khi cả tháng không kiếm nổi vài triệu đồng.

Chị Nga tâm sự: "Mình nghèo là do không được học hành tử tế (cả hai vợ chồng mới học hết lớp 7) dù nghèo cũng gắng gượng cho các con học hành, cố cho học hết cấp 2, nếu kiếm được tiền thì cho học hết cấp 3, nhưng có lẽ với cuộc sống như thế này sẽ khó thực hiện được điều đó với 4 đứa con".

Hằng ngày, vào buổi sáng Phong và Lan đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ được người ta cho đến trường cách nhà 5km. Dù trời rét căm căm các em vẫn không nghỉ học. Hai em Mai và Cường còn nhỏ nên mẹ đưa đi. Sách vở, quần áo được một số người quyên góp cho. Là hộ nghèo nên các em được miễn học phí và các khoản đóng góp khác. Các em rất vui khi được đến trường.

Từ sau Tết Nguyên đán dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhà trường thông báo cho nghỉ học sau 2 tuần học trực tiếp. Cô giáo chủ nhiệm nhắn, sẽ phải học trực tuyến, cần máy tính hoặc điện thoại thông minh. Chị Nga, anh Sự bần thần không biết lấy đâu ra mấy thứ đó cho các con cùng một lúc. Chạy ăn từng bữa, làm gì có tiền để mua máy tính, điện thoại. Nhà chỉ có chiếc điện thoại "cục gạch" đen trắng của vợ, điện thoại thông minh của chồng để liên lạc khi có ai gọi thuê đi làm nhưng là loại rẻ tiền, "đời thấp", chỉ vào được zalo chứ không thể cài đặt được phần mềm dạy học. Cô giáo chủ nhiệm gọi điện hướng dẫn cài đặt nhiều lần nhưng không thể được. Khu vực các em đang sống không có bạn cùng độ tuổi để xin học nhờ máy tính, vả lại dịch bệnh phức tạp cũng ngại tiếp xúc với bên ngoài. Giải pháp là đành để các con tự học ở nhà, được chữ nào hay chữ ấy. Thỉnh thoảng cô giáo chủ nhiệm giao bài qua zalo, tối đi làm về anh Sự mới mở ra cho các con làm, nhưng không được nghe cô giáo giảng, cộng với học lực bình thường nên các con rất khó khăn, xem rồi để đấy không biết làm. Học trực tiếp còn có lúc chưa hiểu, huống chi không được nghe giảng, không được hướng dẫn từ thầy cô thì chả khác nào “tìm đường trong bóng tối”.

Nấn ná ở lại với mấy mẹ con chị Nga trong một buổi chiều âm u, ẩm ướt của những ngày cả tỉnh đang “chật vật” chống chọi với dịch bệnh Covid-19 mà trong lòng đồng cảm và ái ngại. Xúm lại bên bếp lửa, chị Nga và các con nhóm lửa bắc nồi chuẩn bị bữa tối, ánh lửa là thứ sáng và ấm nhất trong ngôi nhà này. Bữa cơm của các thành viên nhiều ngày nay chỉ có rau và mấy củ lạc rang vì bố không tìm được việc làm đồng nghĩa với không có thu nhập. Ngơ ngác, rụt rè nhưng rất lễ phép, Phong, Lan, Mai ước ao: “Con mong hết dịch để được đi học như các bạn và bố con kiếm được tiền” mà lòng thấy rưng rưng. Mong ước thật đơn giản mà sao quá đỗi gian nan đối với hoàn cảnh gia đình này.

Phải chạy ăn từng bữa, lấy đâu ra tiền để mua máy tính, điện thoại thông minh phục vụ học trực tuyến.
Chạy ăn từng bữa nên gia đình không có tiền để mua máy tính, điện thoại thông minh phục vụ học trực tuyến.

Cô giáo Dương Phương Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 6B, Trường THCS Huyền Tụng cho biết: " Em Hà Thị Lan là một trong 3 học sinh của nhà trường không có thiết bị để học trực tuyến. Tôi đã liên hệ trực tiếp với bố mẹ của em nhưng gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể khắc phục được nên đành chọn giải pháp giao bài tập qua zalo của phụ huynh. Tôi thường gọi điện động viên, nhắc nhở Lan học bài ở nhà".

Tuy nhiên, cô giáo Thu khá lo lắng bởi học lực của Lan trung bình, cộng với nghỉ học một thời gian dài sẽ rất khó nắm được kiến thức. Việc phụ đạo sau khi quay trở lại học trực tiếp sẽ phải tập trung nhiều hơn cho các trường hợp như Lan.

Trực tuyến là phương thức học tập mới có tính tình thế, phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Tình trạng học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến hiện nay xảy ra trên phạm vi cả nước với khoảng 1,5 triệu học sinh. Số liệu thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo, số học sinh không có máy tính, điện thoại để học trực tuyến ở tỉnh ta là 16.026/58.287 học sinh ở 03 cấp tiểu học, THCS và THPT, chiếm tỷ lệ 27,4%. Một số địa bàn không có mạng internet, hoặc nhiều gia đình không có điều kiện lắp mạng, sóng chập chờn, không ổn định rất khó có thể duy trì việc học trực tuyến cho học sinh nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Để học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập bình đẳng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, từ năm 2021 cả nước đã phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Sau một thời gian phát động, nhiều tỉnh đã triển khai hỗ trợ học sinh khó khăn máy tính bảng, điện thoại thông minh, lắp đặt, miễn phí cước internet phục vụ học trực tuyến. Tuy nhiên, đối với tỉnh Bắc Kạn chương trình này hiện vẫn chưa triển khai.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tính đến ngày 07/3 toàn tỉnh có 93 trường tổ chức dạy học trực tuyến và 212 trường học trực tiếp (đối với bậc tiểu học, THCS và THPT). Bên cạnh những gia đình sắm cho các con được thiết bị để học online còn có những hoàn cảnh khó khăn không thể lo liệu được. Để tất cả học sinh đều có cơ hội học hành cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... Một chiếc máy tính bảng cũ cũng có thể giúp học sinh được học trong những ngày giãn cách, tiếp cận kho tri thức nhân loại. Mọi người hãy thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội, với thế hệ tương lai của đất nước. Để những học sinh như Phong, Lan, Mai và rất nhiều học sinh khó khăn khác không còn cảnh "thất học" tạm thời như hiện nay./.

Phương Thảo

Xem thêm