Thêm màu sắc cho bún khô truyền thống

Chị Phan Thị Tố Mười (sinh năm 1997), Giám đốc Hợp tác xã Tố Mười, ở thôn Trung Hòa, xã Công Bằng (Pác Nặm). Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Bắc Kạn, không theo nghề mà mình đã học, chị quyết định trở về quê tiếp nối và phát triển nghề làm bún khô của gia đình. 

Được truyền nghề từ bố mẹ, chị Phan Thị Tố Mười luôn trăn trở tìm hướng đi mới để nâng tầm chất lượng cũng như giá trị cho sản phẩm bún khô của gia đình. Cuối năm 2020, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị cùng các hộ sản xuất trong thôn thành lập HTX Tố Mười với 7 thành viên. Với số vốn trên 1 tỷ  đồng, HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, hệ thống máy móc hiện đại như: Máy xay công suất lớn, máy ép sợi, máy đóng gói...

Tuy còn trẻ những chị Phan Thị Tố Mười đã mạnh dạn khởi nghiệp từ chính món ăn truyền thống
Tuy còn trẻ những chị Phan Thị Tố Mười đã mạnh dạn khởi nghiệp từ món ăn truyền thống.

Chị Mười cho biết, hiện nay quy trình sản xuất bún của HTX được khép kín, các công đoạn xay gạo, vắt bột, ép bún, đóng gói... đã được cơ giới hóa, nhưng tay nghề và kỹ thuật của người vận hành máy vẫn là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của mẻ bún. Theo đó, nước để ngâm gạo và xay bột phải sạch thì bún mới trắng; bột xay nghiền kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian để tạo ra mẻ bún ưng ý. Ngay cả công đoạn đưa bột vào máy ép cũng phải canh đủ độ để bún chín thì sợi mới ngon, trắng, dai và bóng đẹp. Sản phẩm bún khô của HTX được làm từ gạo Bao thai do bà con dân tộc Tày ở xã Công Bằng trồng, nên bún làm ra có hương thơm đặc trưng, sợi dai và độ trong nhất định. Theo tính toán, 100kg gạo Bao thai làm được khoảng 80kg bún khô. 

Không chỉ dừng lại ở sản xuất sản phẩm bún trắng, chị Phan Thị Tố Mười còn nghiên cứu, tìm tòi và tiến hành sản xuất bún ngũ sắc. Ý tưởng bún ngũ sắc của chị được bắt nguồn từ món xôi màu sắc truyền thống của dân tộc Tày do mẹ chị làm. Lúc đấy chị đã nghĩ tại sao không làm bún ngũ sắc từ những nguyên liệu làm xôi này. Nếu thành công thì sản phẩm này vừa nhiều dinh dưỡng mà lại đẹp mắt hơn bún trắng truyền thống, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều đối tượng khách hàng.

Chị Phan Thị Tố Mười chia sẻ: "Ban đầu, tôi cũng phải bỏ đi nhiều mẻ bún hỏng vì màu không đạt yêu cầu. Bún khô ngũ sắc khi nấu lên ngoài hương vị, màu sắc đẹp, thì vẫn phải giữ được độ dai như bún truyền thống. Mỗi loại rau, củ, quả trộn với gạo sẽ cho ra sản phẩm bún với màu sắc khác nhau, ví như: Bí đỏ màu vàng, gấc màu cam, hoa đậu biếc màu xanh tím than, rau chùm ngây ra màu xanh lá, gạo lứt ra màu nâu nhạt, màu tím từ lá cẩm tím, màu đỏ từ lá cẩm đỏ và củ dền. Việc căn chỉnh liều lượng màu nhuộm, thời gian nhuộm rất quan trọng, quyết định đến độ đậm nhạt, tươi của màu bún. Nắng cũng là điều kiện quan trọng để tạo ra mẻ bún ngon. Nói chung để có mẻ bún ngon ngoài công nghệ hỗ trợ thì cần đến kinh nghiệm của người làm bún". 

Sản phẩm bún khô của HTX Tố Mười có màu sắc bắt mắt
Sản phẩm bún khô của HTX Tố Mười có màu sắc bắt mắt.

Hiện nay, HTX đang có các sản phẩm như: Bún khô truyền thống, bún khô ngũ sắc, bún khô gạo lứt..., có nhãn mác, thời hạn, tem truy xuất nguồn gốc, cách sử dụng. Sản phẩm được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như: Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh…, giá bán trung bình từ 35.000 – 50.000 đồng/kg. Sản phẩm bún khô ngũ sắc của HTX sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Năm 2021, HTX Tố Mười đã xuất bán hơn 25 tấn bún, doanh thu đạt trên 500 triệu đồng. 6 tháng đầu năm nay, HTX đã bán được trên 10 tấn bún, trong đó đa phần là bún ngũ sắc. 

Bún ngũ sắc là sản phẩm mới, bởi vậy chị Mười xác định việc tiếp cận thị trường phải theo hướng mới. Chị tận dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo.. .để quảng bá sản phẩm. Năm 2022, HTX Tố Mười đã đăng ký sản phẩm bún khô ngũ sắc tham gia Chương trình OCOP cấp huyện và tham gia bình chọn sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Đây là tiền đề để các sản phẩm bún khô của HTX có cơ hội được tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.../.

Huyền Thương

Xem thêm