Thảo luận tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X: Cần tăng cường các giải pháp để giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Một trong những nội dung được các đại biểu HĐND tỉnh đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 16 là tình trạng trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra. Đại biểu đề nghị đánh giá thêm về nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, tình trạng trẻ bị xâm hại, tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Số vụ án liên quan đến trẻ em tăng. Từ 01/01/2023 đến 15/10/2023 cơ quan điều tra các cấp của Công an đã tiếp nhận, thụ lý, giải quyết 29 tin tố giác tội phạm và kiến nghị liên quan đến trẻ em (tăng 13 tin so với cùng kỳ năm 2022); ra quyết định khởi tố vụ án hình sự 21 vụ án/24 bị can, trong đó kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 12 vụ án/16 bị can, đang điều tra 09 vụ/08 bị can (tăng 07 vụ án và 06 bị can so với cùng kỳ 2022).

Đại biểu Triệu Thị Thúy, đơn vị bầu cử huyện Ba Bể.
Đại biểu Triệu Thị Thúy, đơn vị bầu cử huyện Ba Bể.

Theo đó, đại biểu Triệu Thị Thúy, đơn vị bầu cử huyện Ba Bể nêu ý kiến: Tình trạng bạo lực gia đình, hiếp dâm trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, mặc dù không nhiều. Đề nghị đánh giá thêm về nguyên nhân chủ quan, khách quan và giải pháp để khắc phục đối với 2 nội dung trên?

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên được xác định do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại, trẻ em ở một số địa phương chưa được thường xuyên liên tục, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phong phú.

Bên cạnh đó, môi trường mạng Internet cũng tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em, trẻ dễ bị nghiện các trò chơi game online, bị bạo lực, xâm hại... trên môi trường mạng; cơ sở vật chất, điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ xã hội dành cho trẻ em đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là ở các xã đặc biệt khó khăn...

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ) đặc biệt công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại luôn được Sở quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, cụ thể:

Ngay sau khi nhận được văn bản về các trường hợp xâm hại trẻ em, Sở đã ban hành văn bản đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc khẩn trương xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em bị xâm hại, theo đúng quy trình và thủ tục quy định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, xử lý nghiêm trước pháp luật, không để vụ việc kéo dài.../.

Xem thêm