Thành phố Bắc Kạn phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP

Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đa dạng, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ đang là mục tiêu mà thành phố Bắc Kạn hướng tới.

Thành viên của HTX bánh gio, xã Nông Thượng đang gói, luộc bánh gio để gửi đi các tỉnh theo đơn đặt hàng.
Thành viên của HTX bánh gio Bắc Kạn (xã Nông Thượng) đang gói, luộc bánh gio để gửi đi các tỉnh theo đơn đặt hàng.

Để hỗ trợ các chủ thể phát triển và đăng ký tham gia xếp hạng sản phẩm OCOP, thời gian qua, thành phố Bắc Kạn đã thực hiện lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức kinh tế có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP có điều kiện mở rộng quy mô, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị, hoàn thiện sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền thành phố, đến nay thành phố Bắc Kạn có 27 sản phẩm nông sản được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao, 16 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm đã được công nhận, thành phố Bắc Kạn đang hướng tới mục tiêu phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP gắn với nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Vì vậy, ngay từ đầu năm nay, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát những sản phẩm có tiềm năng trên địa bàn để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2022.

6 tháng đầu năm, có 13 sản phẩm của 8 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia, trong đó nhiều sản phẩm có lợi thế của địa phương như: Lạp sườn gác bếp, thịt trâu gác bếp của HTX BKFOOD; trà hoa vàng túi lọc, trà lá vối của Công ty TNHH Hà Diệp; bánh gio mật mía của HTX bánh gio Bắc Kạn; trà lá quế lên men đường phèn của HTX Bản Luông… Qua xét chọn cấp tỉnh lần 1, có 8 sản phẩm đủ điều kiện tham gia xếp hạng OCOP năm 2022.

Thành phố cũng đã huy động, lồng ghép các nguồn lực, phối hợp với các sở, ngành chức năng hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm được công nhận đạt OCOP và đăng ký tham gia Chương trình OCOP xây dựng, mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất, tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức…

HTX bánh gio Bắc Kạn tại thôn Cốc Muồng, xã Nông Thượng là một những HTX điển hình của xã với ngành nghề chính là sản xuất bánh gio dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có và truyền thống làm bánh gio lâu đời của người dân địa phương. Chị Lộc Thị Chanh- Giám đốc HTX cho biết: Bình quân mỗi ngày HTX sử dụng khoảng 60-100kg gạo, ngày nhiều là 300kg, sản xuất được khoảng 1.700 cái bánh gio. Sản phẩm làm ra được xuất bán theo đơn đặt hàng tại các tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Sài Gòn, Bà Rịa - Vũng Tàu…, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5 lao động địa phương.

Năm 2022, HTX bánh gio Bắc Kạn đã đưa sản phẩm đăng ký tham gia xếp hạng OCOP cấp tỉnh. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí đánh giá, HTX đặc biệt chú trọng khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào như gạo nếp, lá chít gói bánh, sử dụng công nghệ đóng gói ép chân không để gửi đi các tỉnh xa nhằm giữ được hương vị và chất lượng bánh. Do lựa chọn chặt chẽ khâu nguyên liệu, sử dụng sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng nên bánh làm ra có độ dẻo và trong, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Việc tham gia đánh giá, xếp hạng Chương trình OCOP năm nay nhằm giúp HTX nâng tầm sản phẩm, quảng bá, giới thiệu để khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến sản phẩm bánh gio của địa phương. HTX đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn của thành phố trong việc cử cán bộ hướng dẫn hoàn thiện thủ tục hồ sơ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Đồng chí Phượng Hoàng Minh, Bí thư Đảng ủy xã Nông Thượng cho biết: Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã quan tâm lồng ghép các chương trình, phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố để hỗ trợ các HTX sản xuất những mặt hàng có giá trị kinh tế cao gắn với phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Nhờ chủ động trong sản xuất, kinh doanh nên hiện nay các HTX trên địa bàn xã hoạt động ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Qua đó góp phần thực hiện nâng cao các tiêu chí nông thôn mới mà xã đã đạt được.

Thời gian tới, thành phố Bắc Kạn tập trung chỉ đạo phát triển đa dạng sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng giá trị đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong đó, khuyến khích các chủ thể phát triển ý tưởng sản phẩm mới, thiết kế nhãn mác bao bì, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm, đánh giá thị trường…/.

Hà Thanh

Xem thêm