Tháng Thanh niên 2024: Đem sức trẻ chia sẻ với vùng khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Tháng Thanh niên năm 2024 được tuổi trẻ tỉnh Bắc Kạn khởi động với rất nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các suất học bổng, những phần quà được trao tận tay học sinh, người dân, đối tượng yếu thế trong xã hội... là dấu ấn Tháng Thanh niên để lại trên mỗi chặng đường, vùng đất tuổi trẻ đi qua.

Xã Đôn Phong (Bạch Thông) là nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số như: Tày, Dao, Mông… điều kiện kinh tế và đời sống xã hội còn nhiều khó khăn. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đoàn viên thanh niên xã Đôn Phong đã có nhiều phần việc ý nghĩa, thấm đẫm trách nhiệm vì cộng đồng, như các hoạt động trong "Ngày thứ Bảy tình nguyện", "Ngày Chủ nhật xanh"; xây dựng mới đoạn đường thanh niên tự quản, trồng hoa, xây dựng mô hình “Đèn đường thắp sáng vùng quê”, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.

Để có thêm nguồn lực, Đoàn xã đã chú trọng vận động các tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ, từ đó tổ chức được nhiều hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội trong thời gian qua như: Phối hợp xây dựng đường Nặm Tốc - Ngặm Han dài 1km; phối hợp trao tặng 21 đèn năng lượng mặt trời cho các hộ khó khăn của thôn Lủng Lầu; tặng 31 suất quà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng); hỗ trợ 4 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Lủng Lầu mỗi hộ 2,5 triệu đồng...

Các hoạt động tình nguyện của thanh niên xã Đôn Phong.

Các hoạt động tình nguyện của thanh niên xã Đôn Phong.

Màu áo xanh tình nguyện xuất hiện ở khắp các xóm bản, đoàn viên thanh niên đã tổ chức vệ sinh môi trường, cảnh quan, hướng dẫn người dân canh tác nông nghiệp, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm sóc sức khỏe cho người dân như khám, cấp phát thuốc luôn được chú trọng.

Thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan (Pác Nặm) có 129 hộ thì có tới gần 100 hộ nghèo, cận nghèo. Người dân trong bản gồm 2 dân tộc Mông và Dao nên một số hủ tục vẫn còn ăn sâu trong nếp sống, cách nghĩ; tình trạng tảo hôn còn xảy ra… Dù vậy, những khó khăn đó không khiến nữ Bí thư chi bộ trẻ Hoàng Thị Siên (sinh năm 1996) nhụt chí.

Thanh niên chia sẻ với người dân vùng khó khăn.

Thanh niên chia sẻ với người dân vùng khó khăn.

Khuổi Ún có đất đồi rộng, hệ thống đường giao thông cơ bản được bê tông hóa, bản đã có điện lưới quốc gia, nhà văn hóa và cả trường học... nhưng trăn trở lớn nhất của chị Hoàng Thị Siên là tỷ lệ hộ nghèo trong bản còn quá cao. Bởi vậy, nữ Bí thư trẻ luôn trăn trở, nhiều lần bàn bạc với các đảng viên trong chi bộ về một nghị quyết phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho dân bản.

Khuổi Ún có lợi thế gần chợ trâu bò Nghiên Loan, người dân có thể làm chuồng, trồng cỏ, trồng chuối để phát triển nghề nuôi vỗ béo gia súc. Mô hình này đã được một số hộ áp dụng thành công, mua được ô tô tải, làm được nhà xây kiên cố. Ngoài ra, với lợi thế về đất lâm nghiệp của bản, Khuổi Ún còn có thể phát triển trồng rừng như mỡ, quế, trám, lát và các loại cây ăn quả và có thể tận dụng diện tích để phát triển mô hình gà thả đồi.

“Từ khi đồng chí Siên làm Bí thư chi bộ, việc huy động quần chúng ưu tú, thanh niên tham gia hoạt động phong trào ở xã, thôn bản đã nhiều hơn, nhiệt tình hơn. Nhất là các bạn trẻ tham gia các lớp nhận thức về Đảng ở thôn Khuổi Ún nhiều nhất. Qua đồng chí Hoàng Thị Siên đã giúp các thanh niên, nhất là giới nữ vùng cao tích cực tham gia hoạt động, tự tin hơn trong cuộc sống cũng như hoạt động trên địa bàn”- đồng chí Quan Tiến Nhiệm, Bí thư Đảng ủy xã Nghiên Loan cho biết.

Nhiều phần việc ý nghĩa của đoàn viên, thanh niên đã thổi luồng gió mới, gieo lên niềm tin, sự lạc quan trong cộng đồng xã hội. Ở đâu có màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ, thì ở đó có những hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội với phương châm xung kích, đi đầu.

Thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới.

Thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới.

Anh Trần Công Luân, Phó Bí thư Tỉnh đoàn.

Trên tinh thần đó, năm 2023, các cấp bộ Đoàn huy động nguồn lực xây dựng được 12 công trình thanh niên cấp tỉnh, 69 công trình thanh niên cấp huyện, 350 công trình thanh niên cấp cơ sở; 3.262 phần việc thanh niên; xây dựng và khánh thành 26 cầu nông thôn, 04 điểm trường học, 02 “ngôi nhà 100 đồng”; 01 ngôi nhà tình bạn; 01 ngôi nhà tình nghĩa; đổ bê tông 6km đường nông thôn, 08 sân bê tông; xây dựng 32 tuyến đường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn”; 34 nhà tiêu hợp vệ sinh; trồng trên 365.065 cây xanh; tặng trên 7.000 suất quà; 1.200 chăn ấm; hơn 14.000 quần áo ấm, mũ len cho các gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 6 tỷ đồng.

Trong 2 tuần đầu của Tháng Thanh niên, tuổi trẻ Bắc Kạn đảm nhận thực hiện nhiều phần việc như:

1. Thành lập 108 đội hình thanh niên tình nguyện.

2. Xây dựng được 60 công trình thanh niên các cấp, trị giá hơn 1 tỷ đồng.

3. Hỗ trợ 115 địa bàn với 4.807 người dân tộc thiểu số được hỗ trợ.

4. Hưởng ứng Cuộc vận động Một dải non sông đã trao tặng 40 bản đồ Việt Nam.

5. Tổ chức 317 hoạt động tình nguyện về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; bảo vệ môi trường; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đảm bảo an sinh xã hội…

Tháng Thanh niên năm 2024, là dấu mốc khởi đầu cho những hoạt động thanh niên, tình nguyện, xung kích trong năm 2024. Chưa bao giờ trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội… lại được đoàn viên thanh niên quan tâm, chú ý phát huy như hiện nay. Đó không chỉ là là lẽ sống, mà còn khẳng định thêm cho truyền thống “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” của tuổi trẻ, vì cuộc sống cộng đồng.../.

Xem thêm