Tháng Bảy về miền cát trắng

Tháng Bảy, trời miền Trung như đổ lửa. Dòng người khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn vẫn hành trình đến với các "địa chỉ đỏ" cách mạng để thắp nén tâm hương, dâng đóa hoa thơm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã mãi mãi nằm xuống vì độc lập tự do của đất nước.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cùng Đoàn công tác thắp hương tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cùng Đoàn công tác thắp hương tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Nén hương trầm Trường Sơn

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh Quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Đây là nghĩa trang quốc gia lớn nhất đất nước, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 người con ưu tú của Tổ quốc đã hiến dâng thanh xuân, sinh mạng gìn giữ non sông. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các Anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của Nhân dân ta. Là nơi để các gia đình liệt sĩ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc "Đền ơn đáp nghĩa". Là địa chỉ hành hương của Nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế.

Khi bóng mặt trời khuất sau dãy Trường Sơn, cũng là thời điểm Đoàn công tác của tỉnh Bắc Kạn do đồng chí Hoàng Duy Chinh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh  làm Trưởng đoàn đến viếng anh linh các Anh hùng liệt sĩ. Trong bảng lảng ánh trời chiều ở mảnh đất thiêng, hồn người như phiêu diêu, tâm tĩnh lặng cảm tạ công lao to lớn của lớp cha anh đi trước đã mãi nằm xuống đất mẹ. Sau 9 tiếng chuông thỉnh báo, Đoàn công tác dâng nén hương trầm, vòng hoa trắng, kính cẩn cúi đầu nguyện hứa quyết tâm giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày càng phát triển; quan tâm giáo dục các thế hệ phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng của cha ông; tích cực làm tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa”.

Khu mộ chung các liệt sĩ của tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn được nằm giữa vạt đồi, dưới những hàng thông vươn mình trong nắng gió Quảng Trị. Khu mộ chung vừa được 2 tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Nghĩa trang Trường Sơn tu bổ, tôn tạo vẫn còn thơm mùi vôi. Tại đây có 86 phần mộ của những người con Bắc Kạn. Có người quê ở Bạch Thông ra đi khi tuổi còn mười tám, đôi mươi, có người quê Chợ Đồn nằm xuống khi còn bận lòng về mẹ già, con thơ chốn quê nhà. Nén hương trầm thơm tỏa như thay lời tri ân của Đoàn công tác với linh hồn của hàng nghìn người con đất Việt, trong đó có những người con Bắc Kạn đã "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Trước khi rời Nghĩa trang, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhờ mẹ con chị Hồng (người trông coi phần mộ liệt sĩ của Bắc Kạn và Thái Nguyên) giúp thân nhân các liệt sĩ thắp nén hương mỗi khi tuần, rằm, lễ, Tết.

Nhẹ bước nơi Thành cổ

"Cuộc chiến 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị là một khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng được viết bằng máu đỏ, biết bao người ngã xuống trong đó nhiều người thân thể vĩnh viễn hòa vào lòng đất Quảng Trị yêu thương. Quân và dân ta đã bảo vệ thành công Thành cổ và thị xã Quảng Trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", thuyết minh viên của Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị chia sẻ với Đoàn công tác.

Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị.
Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị.

Một cảm giác nghẹn ngào, rưng rưng không giấu được giọt nước mắt xúc động, cảm phục của mỗi thành viên Đoàn công tác khi được nghe đọc bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình viết cho mẹ và vợ mới cưới được 6 ngày trước khi anh vào chiến đấu ở Quảng Trị. Như biết chắc rồi đây mình sẽ hy sinh, anh bình thản làm một tấm bia ghi rõ họ tên, quê quán, ngày tháng năm sinh và viết thư vĩnh biệt gửi về gia đình với lời lẽ rắn rỏi động viên mọi người. Đó là tình cảm thiêng liêng đối với gia đình, là ý thức trách nhiệm của người lính đối với Tổ quốc, đồng thời cũng cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng.

Kết thúc hành trình dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị, trời bắt đầu mưa nặng hạt. Đoàn công tác của tỉnh không ai vội vã bước chạy mà chỉ nhẹ đôi chân rời đi vì biết rằng dưới mảnh đất linh thiêng này vẫn còn hàng nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ. Bái biệt Thành cổ, bái biệt những người con kiên trung của Tổ quốc, những người "Tuốt gươm không chịu sống quỳ. Tuổi xanh chẳng tiếc sá chi bạc đầu" để cho đất nước hôm nay được thái bình, yên vui!

Ngoài Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Đoàn công tác của tỉnh còn dâng hương tại nhiều “địa chỉ đỏ” cách mạng thuộc các tỉnh miền Trung, như: Dâng hương phần mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đặt vòng hoa, dâng hương trước anh linh 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Dâng hương tại khu mộ của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Dâng hương tại nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Vũng Chùa - Đảo Yến, tỉnh Quảng Bình)....

Tháng Bảy về miền Trung, có vết chân tròn trên cát trắng bao la của những người thương binh khắc khoải nỗi nhớ đồng đội nơi rừng thẳm, thung sâu, có những người mà "dòng tên anh khắc vào đá núi", để mẹ già "bốn mùa tóc bạc nỗi thương con". Tháng Bảy tri ân là đạo nghĩa, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để mỗi người trân quý hơn giá trị của độc lập tự do, từ đó ra sức học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước tươi đẹp hơn./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm