Tết rằm tháng 7 của người Tày, Nùng Bắc Kạn

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Tổ chức ăn Tết rằm tháng 7 (15/7 Âm lịch) là phong tục truyền thống có từ lâu đời của bà con dân tộc Tày, Nùng Bắc Kạn nói riêng và khu vực vùng núi phía Bắc nói chung. Đây là dịp để các con cháu báo hiếu, thể hiện tình cảm đối với gia tiên, ông bà, bố mẹ, người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng.
Một gia đình ở xã Thượng Quan, Ngân Sơn làm bánh đón rằm tháng 7.

Một gia đình ở xã Thượng Quan, Ngân Sơn làm bánh đón rằm tháng 7.

Theo quan niệm của người Tày ở Bắc Kạn, về tầm quan trọng và sự linh thiêng của rằm tháng 7 không kém gì so với Tết cổ truyền nên dù có bận rộn đến mấy thì những ngày này nhiều người vẫn gác lại công việc để về bên gia đình.

Tục đón rằm tháng 7 của người Tày diễn ra 02 ngày chính là ngày 14 và 15 tháng 7 Âm lịch, các lễ vật không thể thiếu bao gồm: Vịt, thịt gà, lợn, bánh gai, bánh chuối (tiếng Tày gọi là pẻng tải), hoa quả, bánh kẹo, rượu…

"Pẻng tải" là món ăn không thể thiếu để dâng lên gia tiên trong ngày rằm tháng 7 của người Tày, Nùng.

"Pẻng tải" là món ăn không thể thiếu để dâng lên gia tiên trong ngày rằm tháng 7 của người Tày, Nùng.

Người Tày có câu “Bươn chiêng kin nựa cáy, bươn chất kin nựa pết (nghĩa là Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng 7 ăn thịt vịt). Vì vậy, vịt là con vật không thể thiếu trong ngày rằm tháng 7 để cúng gia tiên. Cũng theo quan niệm người Tày, thì vịt là sứ giả đại diện của trần gian để kết nối, báo cáo với đấng tối cao trên trời những việc dưới hạ giới. Khi nước biển dâng cao, vịt có công cõng gà trống vượt biển để dâng lễ trời đúng vào ngày rằm tháng 7, cầu xin cho trần gian mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, nhà nhà khỏe mạnh.

Đến rằm tháng 7 còn nhắc nhở người con gái Tày khi đi lấy chồng xa, ngày đó con gái và con rể sẽ mang đôi vịt về biếu bố mẹ, gọi là tục “pây tái”, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận với cha mẹ.

Các chợ phiên trong tỉnh Bắc Kạn bày bán nhiều vịt để phục vụ nhu cầu của người dân ăn Tết rằm tháng 7.

Các chợ phiên trong tỉnh Bắc Kạn bày bán nhiều vịt để phục vụ nhu cầu của người dân ăn Tết rằm tháng 7.

Anh Đồng Phúc Trịnh, công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Ngày rằm tháng 7 năm nào tôi cũng sắp xếp công việc để đưa gia đình về thăm ông bà, bố mẹ. Cả năm bận rộn nên những lúc như thế này là dịp để các thành viên ngồi trò chuyện, sum vầy, qua đó cũng là để nhắc nhở con cháu hiểu hơn phong tục truyền thống, biết yêu thương, chia sẻ và trách nhiệm với người thân trong gia đình”.

Mặc dù trong nhịp sống hiện đại ngày nay con người trở nên bận rộn với công việc, cuộc sống mưu sinh nhưng Tết rằm tháng 7 vẫn là một cái Tết thiêng liêng, ý nghĩa mà đồng bào Bắc Kạn luôn coi trọng, gìn giữ./.

Xem thêm