Tạo thuận lợi nhất cho người dân tái định cư khi thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể hóa yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, theo đó hỗ trợ tái định cư phải dành vị trí thuận lợi nhất cho người có đất bị thu hồi, bảo đảm người dân phải di dời chỗ ở có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Tạo việc làm, điều kiện sản xuất kinh doanh cho người dân bị thu hồi đất

Sáng 15/01, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực các cơ quan soạn thảo và thẩm tra trong việc chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo luật kèm theo bản giải trình khá rõ ràng, đầy đủ về các vấn đề đã chỉnh sửa.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Theo đại biểu, về cơ bản, nội dung dự thảo luật đã khá hoàn chỉnh, có thể thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên, có một số điểm, cần cân nhắc, điều chỉnh để tránh bỏ trống, hoặc tránh mâu thuẫn.

Đại biểu Cường đánh giá cao quy định tại Điều 91 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, và Điều 110 về các dự án hỗ trợ tái định cư khi đã cụ thể hóa khá rõ yêu cầu của Nghị quyết 18 là việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải bảo đảm cho người có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Tại điểm a, khoản 2, Điều 110 quy định hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây là tiêu chuẩn tối thiểu đối với khu tái định cư; có thể có địa phương có điều kiện xây dựng khu hạ tầng khu vực nông thôn đạt chuẩn của khu vực đô thị.

Do vậy, tại điểm này đại biểu Cường đề nghị bổ sung hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, tối thiểu đạt tiêu chuẩn khu đô thị mới đối với khu vực đô thị.

Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với quy định tại khoản 3, Điều 110 về địa điểm tái định cư được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi; sau đó mới mở rộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố; sau đó tại địa bàn khác có điều kiện tương đương.

Từ bài học thực tế các dự án tái định cư đường Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội đang thực hiện dành vị trí thuận lợi nhất cho tái định cư nên người dân phải di dời chỗ ở rất đồng tình ủng hộ, đại biểu Cường cũng đề nghị bổ sung thêm một điểm: “Ưu tiên lựa chọn khu đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất ở địa bàn được lựa chọn để làm khu tái định cư”.

Theo đại biểu, điều này để tránh tình trạng cùng địa bàn xã, có địa phương dành quỹ đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá để thu tiền, còn khu xa, khó khăn không ai muốn mua thì bố trí khu tái định cư.

Ngoài ra, đại biểu cũng đánh giá rất cao quy định tại khoản 4, Điều 91 thể hiện rất rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người có đất bị thu hồi: Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.

Nhưng theo đại biểu, phương án hỗ trợ tạo việc làm tốt nhất, bền vững nhất không phải là đưa tiền cho người dân mà phải tạo sinh kế, nên nếu thu hồi đất đang là nhà xưởng sản xuất kinh doanh thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải bố trí quỹ đất phù hợp để tạo lập mặt bằng mới cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nếu thu hồi đất nông nghiệp mà người dân không có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp làm trong khu công nghiệp thì phải dành quỹ đất dịch vụ để tạo việc làm cho người nông dân, đại biểu kiến nghị.

Từ đó, đại biểu đoàn Hà Nội nêu rõ, trong quy định về thu hồi đất phải có quy định thu hồi đất để tạo việc làm, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh. Do vậy, đề nghị bổ sung thêm vào khoản 21, Điều 79 thêm một nội dung thu hồi đất tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người có đất bị thu hồi.

Phân loại đất cần rà soát bảo đảm thống nhất với các quy hoạch liên quan

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Góp ý làm rõ thêm một số nội dung trong dự án luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu quan điểm, về việc phân loại đất tại Điều 9, cần rà soát bảo đảm sự thống nhất với các loại đất, nhóm đất trong các quy hoạch có liên quan.

Thí dụ, theo quy hoạch sử dụng đất, đất đai được phân làm 3 nhóm đất, gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng; theo quy hoạch xây dựng gồm đất dân dụng, đất ngoài dân dụng và đất khác.

Trong đó, đại biểu chỉ rõ chi tiết từng nhóm đất cũng có mâu thuẫn như đất có cùng mục đích, đất có mục đích công cộng, đất phát triển hạ tầng ở mỗi quy hoạch cũng có sự khác nhau… Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm để tránh mâu thuẫn.

Về trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, Điều 15 có 5 khoản quy định về trách nhiệm của Nhà nước, trong đó có 3 khoản quy định “Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định khi Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Đại biểu Tiến cho rằng, vấn đề đặt ra là khi thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng, góp vốn… bằng quyền sử dụng đất thì Nhà nước có trách nhiệm gì, đề nghị cần được làm rõ điểm này.

Về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, theo quy định tại điểm c, Điều 67 thì dự án được đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì phải có quyết định phê duyệt hoặc phải có chấp thuận chủ trương đầu tư; nhưng khi thẩm định dự án đầu tư, yêu cầu phải có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Vậy kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có trước hay chủ trương đầu tư có trước, đại biểu nêu câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh đây là vấn đề đang gây khó dễ cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về xử lý tồn tại thực tế hiện nay là nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã nộp tiền sử dụng đất ở các thời điểm khác nhau nhưng chưa được giao đất ở. Đây là tồn tại gây bức xúc ở hầu hết các địa phương, do đó đại biểu đoàn Vĩnh Phúc kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xử lý, bổ sung.

Khơi thông nguồn lực đất đai phục vụ phát triển

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu. (Ảnh: quochoi.vn)

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật nhằm khơi thông nguồn lực đất đai cho sự phát triển chung của đất nước, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nêu ý kiến của nhiều doanh nghiệp tỉnh Bình Dương về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại và thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại điểm b, khoản 3, Điều 122 và điểm b, khoản 1, Điều 127.

Đại biểu kiến nghị cần bổ sung thêm trường hợp đất khác nếu phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết riêng điều khoản này hoặc giao Chính phủ thực hiện thí điểm trong 5 năm, sau đó tổng kết báo cáo Quốc hội.

Lý do theo đại biểu xuất phát từ thực tiễn trước đây, Nhà nước kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, nhiều người dân, doanh nghiệp muốn kinh doanh đã chấp nhận bàn giao các loại đất khác nhau của mình cho Nhà nước, trong đó có cả đất ở để được thuê lại sản xuất kinh doanh đã tạo việc làm, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của địa phương.

Đến nay, khi Nhà nước thay đổi quy hoạch, muốn cải tạo, chỉnh trang đô thị thì cần có cơ chế ưu tiên cho họ được cơ hội tiếp tục, đầu tư phát triển trên chính mảnh đất mà họ đã giữ gìn, sản xuất kinh doanh qua nhiều thế hệ.

Mặt khác, Nhà nước ta có đủ cơ sở để xác định rõ nguồn gốc đất đai của doanh nghiệp. Nếu nguồn gốc đất đai trước khi sản xuất kinh doanh là của chính doanh nghiệp (do được thừa kế, cho tặng hoặc nhận chuyển nhượng) thì cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này.

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị cần sớm sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế, tài chính để điều tiết hài hòa lợi ích từ việc chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại cho 3 nhóm đối tượng là người đang sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước, để Nhà nước phân phối lại lợi ích tương xứng cho chính người sử dụng đất đó và đầu tư các dự án phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Xem thêm