Tạo sinh kế dưới tán rừng

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Thông qua Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng của HTX Tạ Anh.
Mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng của HTX Tạ Anh.

Phát triển kinh tế rừng trồng được Hợp tác xã (HTX) Tạ Anh, xã Mỹ Phương (Ba Bể) duy trì, phát triển hơn 35ha. Tuy nhiên, từ khi trồng đến thu hoạch gỗ có khoảng thời gian từ 5 – 7 năm, người dân không có thu nhập, dễ dẫn đến việc khai thác gỗ non bán làm giảm giá trị kinh tế. Để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích rừng, tạo việc làm, cuối năm 2021 thông qua chương trình FFF, HTX Tạ Anh trồng thử nghiệm mô hình sa nhân tím xen canh với rừng trồng trên diện tích 0,6ha. Hiện cây sa nhân tím đang phát triển tốt. Vì vậy, dự kiến trong năm 2023, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng sa nhân tím thêm 0,5ha.

Ông Mã Hoàng Tạ, Giám đốc HTX Tạ Anh cho biết: Cây sa nhân tím phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đây là cây ưa bóng mát, phát triển nhanh nên phù hợp trồng dưới tán rừng. Trồng sau 3 năm cây sa nhân tím sẽ cho thu hoạch lứa đầu, giá bán hiện tại trên thị trường từ 40.000 – 60.000 đồng/kg. HTX sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích để trồng và tìm kiếm đơn vị thu mua, hướng tới trồng cây gỗ lớn để gia tăng giá trị kinh tế rừng.

Dự án FFF triển khai với mục tiêu nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân làm rừng và trang trại, các hộ người dân tộc thiểu số phát triển rừng, trang trại bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, trải qua hơn 3 năm thực hiện dự án thông qua việc tham gia trực tiếp của các tổ hợp tác, HTX đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất dưới tán rừng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập.

Cụ thể: Tại xã Phương Viên (Chợ Đồn) xây dựng mô hình trồng lá dong dưới tán rừng với diện tích 01ha; mô hình trồng cây khôi nhung dưới tán rừng diện tích 02ha; mô hình trồng cây xạ đen, diện tích 03ha. Ở xã Mỹ Phương (Ba Bể) xây dựng mô hình trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng với diện tích 5.000m2; mô hình làm vườn ươm giống cây lâm nghiệp, quy mô 150.000 cây; duy trì và phát triển rừng gỗ lớn 10ha.

Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn: Độ che phủ rừng của Bắc Kạn vào tốp đầu của cả nước, tiềm năng để phát triển các cây trồng dưới tán rừng rất lớn. Vì vậy, chuyển đổi tư duy từ phát triển, sản xuất lâm nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế lâm nghiệp đang là mục tiêu “kép” hướng đến ổn định sinh kế cho người dân đang được các cấp Hội Nông dân tích cực triển khai. Dưới tán rừng sẽ tiếp tục trồng mở rộng cây dược liệu, giúp khai thác hiệu quả kinh tế rừng một cách bền vững...

Trồng rừng gắn với phát triển kinh tế, tạo cơ hội ổn định cuộc sống cho Nhân dân, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng. UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035, phấn đấu đến năm 2025 trồng dược liệu với diện tích 545ha, trong đó 345ha cây dược liệu theo hình thức thâm canh và 200ha trồng dưới tán rừng, tạo ra 1.500 tấn dược liệu khô.

Như vậy, với tiềm năng, lợi thế như hiện nay, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng sẽ trở thành một ngành kinh tế “lấy ngắn nuôi dài”, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Cán bộ Viện Nghiên cứu Lâm sinh khảo sát rừng tại xã Phương Viên để xây dựng mô hình.

Cán bộ Viện Nghiên cứu Lâm sinh khảo sát rừng tại xã Phương Viên để xây dựng mô hình.

Cùng với hỗ trợ trồng cây dược liệu, nuôi ong dưới tán rừng giúp người dân tạo sinh kế thì thông qua Dự án FFF trong năm 2023, Viện Nghiên cứu Lâm sinh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh, nông lâm kết hợp bằng một số loài cây có giá trị kinh tế cao với tổng diện tích 5ha tại xã Phương Viên, Yên Phong (Chợ Đồn). Qua đó, càng nâng cao giá trị kinh tế của rừng trên một đơn vị diện tích, phát triển kinh tế rừng bền vững đa lợi ích, giúp nông dân giảm nghèo, làm giàu từ rừng./.

Xem thêm