Tạo đà phát triển thương mại hai chiều ở vùng cao Pác Nặm

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Thời gian qua, huyện Pác Nặm đã tích cực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mở rộng  sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
Mô hình thương mại hai chiều ở thôn Nà Lẹng, xã Bộc Bố (Pác Nặm).

Mô hình thương mại hai chiều ở thôn Nà Lẹng, xã Bộc Bố (Pác Nặm).

Nhằm hỗ trợ đồng bào tiêu thụ nông sản, vừa qua, Sở Công thương Bắc Kạn đã hỗ trợ huyện Pác Nặm xây dựng 01 điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa năm 2023 (Mô hình thương mại hai chiều).

Với điều kiện đáp ứng gần khu vực đông dân cư, các cơ quan, trường học, chợ xã nên vị trí giao thông thuận lợi, diện tích mặt bằng khoảng 80m2, mô hình đang mở cửa bán hàng tạp hóa và khoảng 10 sản phẩm OCOP. Hộ kinh doanh Nguyễn Đình Cường, địa chỉ tại thôn Nà Lẹng, xã Bộc Bố được lựa chọn làm điểm thực hiện mô hình.

Quá trình xây dựng, điểm bán hàng được hỗ trợ làm biển hiệu, tủ kính, giá trưng bày sản phẩm với tổng trị giá 127 triệu đồng. Mô hình mở rộng mạng lưới phân phối các mặt hàng thiết yếu, chất lượng cao, đặc sản đến người dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các mặt hàng nông sản địa phương, sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa tại chỗ của người dân.

Anh Nguyễn Đình Cường, chủ hộ kinh doanh cho biết: “Hiện cửa hàng đang giới thiệu và bày bán các mặt hàng là sản phẩm OCOP của tỉnh và huyện như: Trà hoa vàng, trà bí đao, bún, miến, rượu men lá... Cửa hàng cam kết sẽ đem đến cho bà con các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác”.

Nhà trưng bày, trao đổi, mua bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng tại xã Bộc Bố đang được thi công.

Nhà trưng bày, trao đổi, mua bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng tại xã Bộc Bố đang được thi công.

Huyện Pác Nặm đã được phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng Nhà trưng bày, trao đổi, mua bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng tại xã Bộc Bố. Công trình có quy mô đầu tư xây dựng mới nhà hai tầng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Pác Nặm làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư xây dựng 4,5 tỷ đồng. Hiện công trình đang trong giai đoạn thi công.

Việc đầu tư xây dựng công trình nhằm tạo cơ sở vật chất, không gian trưng bày, mua bán trao đổi, quảng bá các sản phẩm OCOP, hàng hóa nông, lâm nghiệp trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; nâng cao thu nhập, tạo cảnh quan không gian đẹp, làm điểm nhấn về thương mại.

Công trình hoàn thành không chỉ nhằm tiêu thụ hàng nông sản, sản phẩm OCOP và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho địa phương mà còn góp phần quảng bá sản phẩm đến khách du lịch khi đến với địa phương. Cùng với đó, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh có thêm kênh quảng bá sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bản vẽ phối cảnh công trình Nhà trưng bày, trao đổi, mua bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng tại xã Bộc Bố.

Bản vẽ phối cảnh công trình Nhà trưng bày, trao đổi, mua bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng tại xã Bộc Bố.

Trong năm qua, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Pác Nặm đã tích cực tham mưu và phối hợp với các đơn vị, các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh xúc tiến thương mại và dịch vụ tham gia các sự kiện như: Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn gắn với trải nghiệm bí xanh thơm Ba Bể năm 2023; trưng bày, quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hoạt động bán sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương tại Lễ hội văn hóa “Chợ tình Xuân Dương” huyện Na Rì; phối hợp với Sở Công thương tổ chức Ngày hội hàng hóa tiêu dùng tại sân vận động trung tâm huyện Pác Nặm nhân Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập huyện và mở điểm trưng bày bán sản phẩm OCOP.

Ông Hoàng Nông Hiếu, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Pác Nặm cho biết: Thị trường hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn huyện trong thời gian qua diễn ra khá sôi động, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, không có tình trạng khan hiếm hàng, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân. Hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn có sự tăng trưởng so với năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 10 tháng năm 2023 ước đạt trên 180 tỷ đồng, bằng 93,96% kế hoạch, đạt 119,8% so với cùng kỳ năm 2022./.

Xem thêm