TP. Bắc Kạn:

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là "chìa khóa" để phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Thành phố Bắc Kạn xác định việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa chính là "chìa khóa" để gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế bền vững.
Lãnh đạo UBND TP. Bắc Kạn cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình trồng rau trong nhà lưới tại tổ Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng.

Lãnh đạo UBND TP. Bắc Kạn cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình trồng rau trong nhà lưới tại tổ Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng.

Triển khai cụ thể hóa Nghị quyết

Căn cứ Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh và về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, TP. Bắc Kạn đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể…

Sau 2 năm thực hiện, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp của thành phố đã có những chuyển biến rõ nét. Về trồng trọt, nhiều diện tích cây ăn quả như cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối được thâm canh, cải tạo giúp tăng năng suất và sản lượng. Việc vận động người dân mở rộng diện tích cây ăn quả đạt chứng nhận ATTP, chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được các cấp, ngành chuyên môn của thành phố chú trọng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn thành phố hiện có 04 tổ chức kinh tế chăn nuôi lợn với quy mô trang trại vừa và nhỏ, trong đó có 02 trang trại lợn mới phát sinh trong năm 2021 và 2022. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, thành phố tổ chức trồng lại rừng sau khai thác và các chương trình dự án khác đạt trên 353,5ha, đạt 28,3% kế hoạch giai đoạn 2020-2025. Tích cực hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật tỉa thưa rừng keo, mỡ; thực hiện cấp chứng chỉ FSC; thực hiện chuỗi giá trị liên doanh liên kết trong hoạt động trồng rừng.

Nhằm hình thành các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn, thành phố đang rà soát thực hiện mô hình tại thôn Bản Bung, xã Dương Quang và thôn Tân Thành, xã Nông Thượng. Việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nông,- lâm nghiệp được thực hiện thường xuyên.

Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường thu hút đầu tư, vận động người dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Duy trì phát triển các sản phẩm về nghệ, nấm, chuối, thịt lợn, mơ vàng, quế, sản phẩm từ gạo, trà hoa vàng, trà nụ vối, sản phẩm chế biến từ thịt trâu với 34 sản phẩm được công nhận đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Tiếp tục bám sát các mục tiêu Đề án

Theo đánh giá của UBND thành phố, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn còn gặp một số khó khăn. Đó là những hạn chế trong việc mở rộng quy mô sản xuất, chứng nhận ATTP, hữu cơ, VietGAP. Năng lực của các tổ chức, cá nhân còn yếu nên ảnh hưởng tới việc liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp lớn.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thiếu vốn, thiếu đất canh tác. Mặt khác giá của các sản phẩm có chứng nhận ATTP, hữu cơ, VietGAP không cao hơn là bao so với các sản phẩm bình thường, do đó người dân chưa có nhu cầu thực hiện các tiêu chuẩn, chứng nhận. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, việc chuyển đổi từ kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn, sản xuất đạt tiêu chuẩn chứng chỉ rừng FSC chưa được nhiều bà con hưởng ứng…

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thành phố Bắc Kạn xác định tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Tăng cường tuyên truyền, trọng tâm là vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa; mở rộng liên kết sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, phục vụ sản xuất. Tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.

Xem thêm