Tác nghiệp nơi đầu sóng, những kỷ niệm không quên

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Tôi rất vinh dự được theo Đoàn công tác của Vùng 2 Hải quân ra thăm, chúc Tết các chiến sĩ Nhà giàn DK1 dịp cuối năm 2022 đầu năm 2023. Những ngày lênh đênh trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, giây phút được ở trên Nhà giàn DK1 đã để lại nhiều dấu ấn, tình cảm sâu đậm trong tôi.
Tàu Trường Sa 10.

Tàu Trường Sa 10.

Trong tiếng còi rền vang, tàu Trường Sa 10 rời cảng Lữ đoàn 171 (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu hải trình đưa Đoàn công tác đến với các Nhà giàn DK1.

Dù đã được các anh chị đi trước truyền đạt kinh nghiệm và tìm hiểu về “say sóng” từ trước, nhưng khi được tự thân trải nghiệm cảm giác vẫn thật khó tả. Cả Đoàn công tác chỉ có tôi và bạn Nguyễn Thị Thế Bằng đến từ Báo Sóc Trăng là nữ, bởi vậy đã được bố trí ở phòng được cho là đỡ say sóng nhất, đi lại thuận tiện nhất trên tàu. Khi tàu nhổ neo cũng là lúc các phóng viên tranh thủ còn sóng 3G gửi tin, hình ảnh của chuyến đi về tòa soạn. Tàu ra khỏi vịnh cũng là lúc chúng tôi bắt đầu được nếm “sóng biển”, cảm giác bồng bềnh, chao đảo khiến tôi và bạn cùng phòng nằm bẹp trên giường. Phòng tuy có 02 giường đơn nhưng chúng tôi nằm chung để đỡ bị sóng lắc, sóng xô…

Phóng viên tác nghiệp khi tàu Trường Sa 10 bắt đầu tiếp cận Nhà giàn DK1/9.

Phóng viên tác nghiệp khi tàu Trường Sa 10 bắt đầu tiếp cận Nhà giàn DK1/9.

Sau hơn một ngày trên tàu, chúng tôi dần quen và “bắt nhịp” được với những cơn sóng và tự tin hơn khi di chuyển trên tàu. Sau khi trải nghiệm phòng tắm trên tàu, tôi phải thốt lên rằng "Tắm ở trên tàu là một nghệ thuật, người tắm là nghệ sĩ". Đúng là khi trên tàu, giữa mùa biển động gần như con tàu không lúc nào ngừng rung lắc, trong bất kì tư thế nào dù là nằm, ngồi, hay đứng thì chúng tôi cũng cần có điểm tựa, điểm bám để không bị xô ngã.

Trải qua hơn 48 tiếng lênh đênh trên biển, lúc này biển động mạnh, sóng cao, con tàu vẫn dập dềnh hứng từng cơn sóng, nhưng khi được thông báo sắp đến Nhà giàn DK1 ai cũng trở nên phấn chấn, quên đi những cơn say sóng bắt đầu chuẩn bị các phương tiện để tác nghiệp…

Anh Hoàng Hải Hà, phóng viên Đài PT - TH Phú Thọ chia sẻ: "Mặc dù rất say sóng, đang nằm bẹp trên giường nhưng khi nghe tin tàu đã đến Nhà giàn DK1, mọi mệt mỏi bỗng tan biến, tôi khẩn trương lấy máy ra để ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy Nhà giàn DK1"…

Sóng vỗ dưới chân Nhà giàn DK1/9.

Sóng vỗ dưới chân Nhà giàn DK1/9.

Nhà giàn DK1/9 đã ở trước mặt chúng tôi, nhưng do biển động, Đoàn công tác chưa thể lên trên đó. Chúng tôi đành tiếc nuối ngắm Nhà giàn cách đó vài trăm mét và neo tàu lại. Sáng hôm sau, Đoàn công tác làm lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Chúng tôi, những phóng viên trong lòng bồi hồi xúc động, cố gắng ghi lại khoảng khắc của các chiến sĩ, những người con đất Việt dành cho đồng đội, các chiến sĩ đã anh dũng, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phóng viên tác nghiệp trên tàu Trường Sa 10 trong Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Phóng viên tác nghiệp trên tàu Trường Sa 10 trong Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Cố gắng tác nghiệp để ghi lại từng khoảnh khắc trên tàu, như việc chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm, công tác vận chuyển hàng ra xuồng, những nỗ lực để có thể hạ xuồng và vận chuyển hàng hóa lên Nhà giàn DK1… nhưng chúng tôi luôn ghi nhớ và tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn đã được đồng chí Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó Tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác quán triệt.

Phóng viên Báo Bắc Kạn tác nghiệp trên tàu Trường Sa 10.

Phóng viên Báo Bắc Kạn tác nghiệp trên tàu Trường Sa 10.

Sau lễ tưởng niệm, khi được thông báo tất cả phóng viên sẽ được lên Nhà giàn DK1/9 tác nghiệp, chúng tôi như vỡ òa trong cảm xúc. Bởi từ chiều qua, khi nhìn từng đợt sóng dội vào mạn tàu, không ai nói ra nhưng trong lòng đều mang tâm trạng lo lắng, không biết có lên được Nhà giàn DK1 không.

Chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị đồ nghề, tất cả các thiết bị phục vụ tác nghiệp đều được các chiến sĩ hỗ trợ, cẩn thận bọc trong túi ni lông chuyên dụng, tránh nước để vận chuyển lên Nhà giàn. Với những động tác dứt khoát, nhanh nhẹn tổ xuồng đã hạ xuồng thành công, mỗi chuyến, ngoài tổ lái, xuồng chỉ có thể chở thêm 6 người. Khi di chuyển từ tàu sang xuồng cũng là một thử thách của chúng tôi với sóng biển, được hướng dẫn và mục sở thị các chiến sĩ thực hành nên chúng tôi cơ bản nắm được nguyên lý và lợi dụng lực đẩy của sóng để bước lên xuồng một cách an toàn.

Phóng viên Báo Bắc Kạn đu dây lên Nhà giàn DK1/9

Phóng viên Báo Bắc Kạn đu dây lên Nhà giàn DK1/9

Chiếc xuồng nhỏ bé, chơi vơi rẽ sóng hướng về phía Nhà giàn. Tưởng rằng lên xuồng đã khó rồi, không ngờ từ xuồng lên Nhà giàn còn khó hơn. Sóng to, xuồng không thể tiếp cận chân Nhà giàn nên chúng tôi lên Nhà giàn theo phong cách rất riêng mà một anh phóng viên trong đoàn đã đùa rằng “Chúng ta được bay lên Nhà giàn”. Quả thật không phải bay, nhưng cảm giác cũng gần như vậy, chúng tôi ngồi trên miếng gỗ được buộc vào sợi dây nối với cần cẩu trên Nhà giàn, một dây nối với xuồng do tổ xuồng giữ, một dây được các chiến sĩ dưới chân Nhà giàn giữ. Vậy là miếng gỗ vừa đủ cho một người ngồi được thả xuống xuồng với biên độ dao động của sóng, tổ lái xuồng phải giữ để tôi có thể ngồi lên miếng ván, sau đó tôi được cần cẩu nâng lên cao hướng về phía chân Nhà giàn. Bên kia các chiến sĩ tổ xuồng sẽ nhả dây, bên này Nhà giàn các chiến sĩ sẽ dùng lực để kéo và đỡ tôi đáp chân lên Nhà giàn.

Đu dây lên Nhà giàn DK1/9.

Đu dây lên Nhà giàn DK1/9.

Cảm xúc như vỡ òa khi đặt chân lên Nhà giàn, những nụ cười, những cái bắt tay như những người thân lâu ngày gặp lại khiến không khí Nhà giàn DK1/9 lúc này trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Cùng với những lời hỏi thăm, cánh phóng viên chúng tôi bắt đầu lấy đồ nghề và nhanh chóng tác nghiệp, bởi ai cũng hiểu thời gian được ở trên Nhà giàn là rất quý báu…

Trước những câu hỏi của chúng tôi, Trung tá Phan Công Phụng, Chính trị viên Nhà giàn DK1/9 đã phân công anh em chiến sĩ trên Nhà giàn phối hợp để chúng tôi tác nghiệp. Bản thân đồng chí rất nhanh nhẹn trả lời tất cả những băn khoăn, những câu phỏng vấn của chúng tôi về đời sống, huấn luyện chiến đấu của anh em chiến sĩ trên Nhà giàn…

Cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫy tay chào tạm biệt Đoàn công tác.

Cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫy tay chào tạm biệt Đoàn công tác.

Trong hải trình 15 ngày cùng tàu Trường Sa 10, Đoàn công tác của chúng tôi đi qua 10 nhà giàn. Trong đó các thành viên trong đoàn lên được 04 nhà giàn, các Nhà giàn còn lại do thời tiết bất lợi, sóng to nên chỉ có thể chuyển quà qua dây cho các chiến sĩ và chúc Tết qua loa phóng thanh...

Chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc, càng thêm yêu màu áo lính, thấu hiểu sự vất vả hy sinh của các anh - những người lính hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc…/.

Xem thêm