Tác giả Nông Văn Kim “Viết để tri ân cuộc đời”

0:00 / 0:00
0:00

Đến với văn chương khi đã đi qua con dốc phía bên kia của cuộc đời, tác giả Nông Văn Kim được gọi là người viết “muộn”. Nhưng ngay từ khi chạm ngõ văn học, ông đã lưu lại những dấu ấn đặc biệt. Mới đây, ông cho ra mắt cuốn sách “Những người con của núi”, đây là tiểu thuyết thứ hai của văn giới tỉnh Bắc Kạn.

Cái tâm bao giờ cũng đặt lên đầu tiên

Sau nhiều cuộc điện thoại, chúng tôi mới gặp được tác giả Nông Văn Kim tại thị trấn Nà Phặc. Vừa đi qua cánh cổng, cụ ông tóc bạc, mặc chiếc áo chàm truyền thống của dân tộc Tày xởi lởi bước nhanh ra đón.

Tác giả Nông Văn Kim năm nay đã bước sang tuổi 80, lưng thẳng, mắt vẫn tinh và đặc biệt vẫn có thể tự lái xe máy đi cả trăm cây số một ngày. Chúng tôi phải hẹn nhiều lần, vì thời gian gần đây, ông thường xuyên đi thực tế, có hôm lên tận huyện Pác Nặm để lấy tư liệu cho cuốn tiểu thuyết thứ hai.

Trong rất nhiều cuộc trò chuyện, mỗi lần nhắc về lý do đến với sáng tác muộn, tác giả Nông Văn Kim vẫn luôn bảo, ông yêu Văn học từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều đó còn trở thành đam mê khi bắt đầu học cấp III, khi ấy thư viện nhà trường là nơi ông yêu thích và gắn bó nhất. Ông đã từng mải miết và sống trong các tác phẩm văn học trong nước, những cuốn tiểu thuyết kinh điển của văn học nước ngoài. Yêu thích văn học nghệ thuật là vậy nhưng ông không thể chọn đó là nghề nghiệp theo đuổi. Để đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống lúc ấy, sau khi tốt nghiệp THPT ông tạm gác lại đam mê của mình, theo học ngành Nông nghiệp…

“Nhưng đó cũng là lối rẽ để có những truyện ngắn, tiểu thuyết mang tên Nông Văn Kim hiện nay. Trong thời gian công tác, tôi đi thực tế đến cơ sở rất nhiều, lại hay hỏi han, trò chuyện nên nghe và biết nhiều chuyện. Ban đầu thì cứ để đó, sau tôi cẩn thận ghi lại vào quyển sổ, lưu lại thôi cũng không nghĩ là sẽ viết truyện. Thời điểm ấy tôi vẫn viết, nhưng là viết báo cáo. Tôi viết báo cáo thường sẽ không theo khuôn mẫu có từ trước mà sẽ đi đến tận nơi, bám sát tình hình thực tế, thời tiết thay đổi, cây lúa, cây ngô, vật nuôi mỗi năm thế nào, tâm tư, nguyện vọng của người dân ra sao… Rồi từ những kiến thức chuyên ngành đã học và kinh nghiệm trong mấy chục năm công tác có những điều kể được, có những điều không thay đổi được, thế là khi về hưu tôi viết thành truyện”- ông Nông Văn Kim nhớ lại.

Với “cái vốn” phong phú như thế, những câu truyện ông viết bao giờ cũng thu hút và được đánh giá cao về chất lượng. Ngay truyện đầu tiên của tác giả Nông Văn Kim “Người thợ săn cuối cùng” đã gây ấn tượng mạnh với độc giả. Theo đó là rất nhiều giải thưởng văn học từ Trung ương đến địa phương, đó là sự khích lệ, động viên và cũng là động lực để ông tiếp tục viết.

Tôi đã được phỏng vấn tác giả Nông Văn Kim nhiều, lần đầu tiên là cách đây 8 năm, đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được lời ông từng nói: “Tôi luôn có cảm giác mình mắc nợ với bạn bè, anh em, các anh hùng thương binh, liệt sĩ… những người đã sống và cống hiến một cách thầm lặng cho sự bình yên của đất nước, cho dân tộc. Tôi muốn viết thật nhiều, muốn đi thật nhiều để có thể đưa những câu chuyện về những con người bình thường đến với cuộc sống này”. Với cái tâm trọn vẹn với nghề như thế, ông bỏ thời gian, công sức và cả kinh phí đi tìm hiểu, có những chuyến đi vào đến thành phố Hồ Chí Minh để nghe nhân vật kể chuyện. Khi trở về trong căn phòng nhỏ, ông sẽ mở chiếc máy ảnh cũ, xem thời gian để tìm lại nội dung đã ghi chép ở sổ tay. Rồi ông đeo kính và gõ bàn phím lạch cạch, lúc ấy ông sẽ sống với nhân vật, bỏ quên hết thế giới bên ngoài, viết say mê đến hửng sáng.

Những thước phim lịch sử

Đầu tháng 10 vừa qua, ông Nông Văn Kim đã cho ra mắt tiểu thuyết “Những người con của núi”. Cuốn sách do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành, dày 234 trang, được chia thành 9 chương.

Tiểu thuyết viết về những người là đồng bào dân tộc thiểu số, sống trên núi, mà cụ thể ở đây là Núi Hoa (Phja Bjoóc). Cuộc sống của họ những năm tháng trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 muôn vàn khó khăn. Họ bị bóc lột bởi quân giặc, họ khổ sở vì những hủ tục lâu đời, nhưng từ bóng tối, họ đã can đảm đi qua gai góc để bước về phía ánh sáng. Mỗi nhân vật đều mang đến một góc nhìn cuộc sống khác nhau, tác giả không hề tô hồng mà đã tinh tế khắc hoạ nên những con người rất thật, gần gũi với cuộc sống đời thường.

Viết về đề tài lịch sử cách mạng, thay vì lấy nhân vật trung tâm là nam nhi, thì tác giả Nông Văn Kim lại lựa chọn viết về cuộc đời của một phụ nữ tên Thàm. Thàm sinh ra trong giai đoạn khó khăn, nhưng cuộc đời từ thủa ấu thơ của cô là những khổ sở triền miên. Mẹ mất sớm, vài năm sau phải tự tay đi nhặt xương của cha đem đi chôn rồi sống cô độc, tách biệt suốt những năm tháng trưởng thành. Thàm một mình đi qua giai đoạn dậy thì, một mình đối mặt với sự hoảng hốt khi trở thành phụ nữ và cuối cùng cô cũng chỉ có một mình khi sinh con. Một cuộc đời có thể nói là chìm sâu dưới bùn đen, người mẹ trẻ đã mạnh mẽ vượt qua, can đảm bước về ánh sáng Cách mạng để rồi tự viết nên những trang sách mới cho cuộc đời của chính mình.

“Những người con của núi” đã lồng ghép được nhiều dấu mốc lịch sử của Bắc Kạn vào nội dung, tiêu biểu như: “Ngày mùng bảy tháng mười năm Đinh Hợi, địch nhảy dù chiếm Bắc Cạn và Chợ Mới, hai ngày sau đó nhảy dù chiếm Cao Kỳ và Chợ Đồn, một vùng hậu phương bỗng chốc trở nên tiền tuyến”... Theo những trang sách, bạn đọc sẽ thấy hình ảnh vùng quê, con người Bắc Kạn những năm tháng khó khăn muôn vàn nhưng luôn luôn vững tin, một lòng hướng đến Cách mạng: “Chỉ trong một thời gian ngắn, nếp sống của một vùng nông thôn rộng lớn đã chuyển sang thời chiến, bản làng thực hiện vườn không nhà trống, nhà nào cũng có cơ (lán) trong rừng cất giấu tài sản, lương thực, quần áo, trâu bò. Không một nhà nào theo địch”…

Cuốn sách khép lại bằng hình ảnh đẹp hướng về phía trước: “Ngày tổng khởi công sắp đến rồi!”. Vẫn biết để đi đến được tương lai thật đẹp như ngày hôm nay, con đường rất dài và rất gian nan, những người con của Núi Hoa, dù là phụ nữ hay nam giới, dù bần nông hay chức sắc cũng đã một lòng đoàn kết, bước theo Cách mạng, chung sức xây dựng quê hương.

Và tác giả Nông Văn Kim, người con của Núi Hoa vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình. Dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn đang từng ngày theo đuổi đam mê với hy vọng lưu lại cho thế hệ sau những câu chuyện về một thời đang dần đi vào quên lãng.../.

Xem thêm