Sức dân ở Lủng Lầu

Cách xã Đôn Phong (Bạch Thông) hơn chục cây số, thôn Lủng Lầu là nơi sinh sống của 28 hộ dân tộc Dao đỏ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, người dân ở đây đã tích cực tham gia góp tiền và ngày công để mở đường…

Cách xã Đôn Phong (Bạch Thông) hơn chục cây số, thôn Lủng Lầu là nơi sinh sống của 28 hộ dân tộc Dao đỏ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, người dân ở đây đã tích cực tham gia góp tiền và ngày công để mở đường…

Trước đây, để đến với Lủng Lầu phải vượt qua con đường dốc đá lởm chởm. Thế nhưng, nhờ có sự đồng thuận của lòng dân đã biến đoạn đường nội thôn dài hơn 1km vốn rất khó đi lại, trở thành con đường rộng rãi, dễ đi hơn nhiều, giúp ích cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây.

Đường nội thôn Lủng Lầu hiện nay đã được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Đường nội thôn Lủng Lầu hiện nay đã được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Lâu nay cuộc sống của 28 hộ đồng bào dân tộc Dao ở Lủng Lầu chủ yếu dựa vào đất đồi rừng để trồng ngô và chăn nuôi trâu, bò. Giao thông đi lại không thuận lợi khiến sản phẩm nông nghiệp làm ra cũng không bán được, chủ yếu là tự cung tự cấp khiến cho đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người dân ở đây lại có tinh thần đoàn kết, luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới do địa phương phát động. Hiểu được ý nghĩa, mục đích của phong trào này nên bà con hưởng ứng nhiệt tình, tích cực đóng góp công sức để mở đường, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình.

Được biết, chuyện mở đường ở Lủng Lầu bắt nguồn từ việc thôn được Chương trình 135 hỗ trợ xây dựng nhà họp thôn, nhưng việc vận chuyển nguyên vật liệu từ trung tâm xã vào là vô cùng vất vả, nếu gặp khi trời mưa thì độ khó khăn, vất vả tăng lên nhiều lần và ý tưởng san gạt đất đá để mở đường của người dân đã được ra đời từ đó.

Bí thư Chi bộ thôn Lủng Lầu Triệu Thị Nguyệt cho biết: Bao năm sinh sống ở núi cao, bà con luôn thấu hiểu nỗi khổ khi giao thông không thuận lợi, vì vậy làm sao để có được con đường rộng rãi, đi lại dễ dàng luôn là mong ước, là điều trăn trở của hơn 20 hộ dân nơi đây. Do đó, vấn đề mở đường giao thông đã được đưa ra bàn bạc tại cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ và các đoàn thể, thống nhất từ cách làm đến mức đóng góp.

Nhờ có sự thống nhất cao, nên công việc mở đường đã nhanh chóng được triển khai thực hiện, theo đó mỗi hộ đóng góp 1 triệu đồng, ngày công lao động, nhiều hộ còn tình nguyện hiến đất, cây cối và hoa màu để cùng với bà con thôn, bản mở đường.

Với số tiền đóng góp 33 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động, nhân dân thôn Lủng Lầu đã thuê máy xúc để san gạt mở 1,6km đường, làm cống thoát nước. Người dân tay cuốc, tay xẻng thi đua lao động nên chỉ trong thời gian ngắn nhiều đoạn đá hộc lởm chởm đã được san gạt, những khúc cua được mở rộng, chẳng mấy chốc con đường liên thôn đã hoàn thành trong niềm hân hoan của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, chị Bàn Thị Mai, người dân thôn Nà Lồm cho biết thêm: Gia đình chị có đất đồi rừng ở gần thôn Lủng Lầu, đặc biệt là 300 cây quýt mỗi vụ thu về khoảng 2 tấn quả. Khi đường chưa mở, mỗi khi đến vụ thu hoạch việc vận chuyển thật khó khăn. Nhưng nay đường rộng rãi, dễ đi hơn đã giúp cho hàng chục hộ dân thôn Lủng Lầu và Nà Lồm đi lại dễ dàng, thuận tiện trong phát triển kinh tế.

Được biết, hiện thôn Lủng Lầu có 5ha quýt, 2ha sắn cao sản, 26ha rừng trồng mỡ và keo. Do vậy, việc nhân dân trong thôn đóng góp sức người, sức của để mở đường đã tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất vốn gian khó này.

Đồng chí Trịnh Xuân Thành- Chủ tịch UBND xã Đôn Phong cho biết: Đồng bào dân tộc Dao ở Lủng Lầu mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tư duy và nhận thức của mỗi người dân đã thay đổi tích cực. Nhận thấy phải có đường giao thông để phát triển kinh tế nên người dân đã đồng lòng tham gia mở đường. Việc làm của nhân dân thôn Lủng Lầu đã góp phần tích cực vào thực hiện, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương, tạo phong trào thi đua để các thôn khác học tập và làm theo.../.

Hà Thanh

Xem thêm