SỰ TÍCH ĐỀN SLẤN SLẢNH - SLẤN PHỦ LƯƠNG

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Tác phẩm đạt giải Ba Cuộc thi sáng tác, sưu tầm các câu chuyện hay gắn liền với di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Kạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn tổ chức.

Ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ có gia đình họ Lương gồm ba người cùng sinh sống rất hòa thuận. Nhà nghèo nhưng được cô con dâu giỏi giang hiếu thảo, đảm đang mọi người đều yêu mến. Đặc biệt người con trai thông minh hơn người, ngày đêm miệt mài kinh sử tuổi đời còn rất trẻ mà đã thi đậu hết các kỳ thi do triều đình tổ chức. Ngày vinh qui bái tổ được cả làng vui mừng đón tiếp nồng nhiệt, chàng được triều đình phong chức quan phủ cai quản trấn giữ cả một vùng rộng lớn. Tuy làm quan lớn nhưng chàng sống rất giản dị, hòa đồng với Nhân dân. Một hôm triều đình tổ chức mời các quan trong cả nước về kinh đô để chầu Hoàng Thượng, chàng cũng là một trong các quan được mời về kinh đô đợt này. Chốn Kinh đô nguy nga náo nhiệt nhưng chàng vẫn nhớ về quê hương nhất là người vợ thân thương của mình. Ngày làm việc tại triều đình tối bay về quê nhà ngủ với vợ (theo truyền thuyết chàng học giỏi đến độ tuyệt đỉnh có thể tàng hình biến thân và bay được) chàng dặn vợ không cho ai biết việc đi lại của chàng kể cả bà mẹ đẻ. Một thời gian sau thấy nàng dâu mang thai mẹ chồng quát hỏi:

- Mày đã ăn ngủ cùng ai để có thai khi chồng mày không ở nhà?

Cô con dâu không dám trả lời mẹ vì nhớ lời chồng dặn không cho ai biết việc mình bay về hàng đêm. Người mẹ tức tối tìm mọi cách tra khảo con dâu cuối cùng nàng cũng phải thú thật với mẹ chồng:

- Không ai đâu chính con trai mẹ đó.

Tình nghĩa vợ chồng Minh hoạ: Quang Duy

Tình nghĩa vợ chồng

Minh hoạ: Quang Duy

Người mẹ tức tối điên cuồng quát tháo:

- Tao không tin, chồng mày ở tận kinh đô làm sao về được trừ khi nó biết bay về.

Vừa bị sỉ nhục oan uổng vừa xấu hổ cuối cùng nàng thổ lộ cho mẹ chồng tất cả.

- Không tin tối nay mẹ cứ rình mà xem!

Là người mẹ ai chả muốn gìn giữ hạnh phúc cho con mình nhưng sự nghi ngờ quá thái của người mẹ đã là thảm bi kịch cho cả cuộc đời người con trai sau này.

Như thường lệ, chàng quan phủ họ Lương tối nay lại bay về nhà ngủ với vợ và bà mẹ đã rình sẵn trộm lấy đi một chân giày để làm bằng chứng. Canh năm người con trai tỉnh dậy mặc quần áo đi giày để bay về kinh đô trước khi trời sáng nhưng không thấy một chân giày, lúc này bình minh vừa rạng, mặt trời từ từ nhô lên chàng vội vẫy tay một cái tự nhiên mặt trời lại tụt xuống, chàng vội tìm chiếc giày còn lại nhưng tìm mãi không được, mặt trời lại từ từ nhô lên chàng vội vẫy tay một lần nữa mặt trời lại tụt xuống lần thứ hai. Cuối cùng chàng quyết định bay về Kinh đô lấy đất sét nặn thành chiếc giày đã mất lấy nhọ nồi bôi vào giống y hệt như chiếc giày thật.

Các quan nịnh thần thấy sáng nay mặt trời hai lần nhô lên lại lặn xuống chắc chắn đã có phát hiền tài với lòng ghen tuông đố kỵ bèn tâu với vua.

- Muôn tâu bệ hạ sáng nay mặt trời tự nhiên nhô lên tụt xuống hai lần chắc chắn đã có một người rất tài giỏi, theo thần nên tìm người này diệt trừ để tránh tai họa về sau. Nhà vua nghe theo liền chuẩn y nhưng biết tìm ai trong hàng trăm hàng nghìn vị quan lúc này, đã là hàng quan của triều đình không ít kẻ ngoài tài giỏi còn ma lanh xảo quyệt bèn mách với nhà vua:

- Tâu bệ hạ theo thần cho tập trung hết các quan lại để cả y phục xuống hồ tắm chắc chắn sẽ phát hiện là ai ngay ạ!

Nhà vua nghe vậy liền lệnh cho tất cả các quan không được cởi đồ xuống hồ tắm trong đó có cả anh chàng họ Lương rồi cái gì đến nó đã đến chiếc giày đất sét gặp nước từ từ tan ra họ phát hiện và bắt chàng họ Lương buộc vào cây cọc giữa sân triều đình để hành quyết nhưng đột nhiên thấy chàng biến mất chỉ trơ lại cây cọc giữa sân (lúc này chàng đã tàng hình biến mất) bọn binh quan nịnh thần cũng không vừa, chúng lấy cẩm nang để làm rõ (hiểu như trích ngang trong quân đội là họ tên, quê quán, chiều cao, cân nặng) rồi chúng lấy thước đo từ chân cọc đến khoảng giữa cổ của chàng lấy cưa cắt vào thân cây gỗ hòng kết liễu đời chàng.

Do thông minh hơn người học cao biết rộng đến độ tuyệt đỉnh có thể tàng hình biến thân bay được nên chàng thoát chết bay về quê hương với thương tích cái cổ bị cắt già nửa, về đến đầu làng gặp một em chăn trâu chàng liền gặng hỏi:

- Noọng ơi, mạy tắc nhằng tứn lừn

Cò cún nhằng pền cần bấu nò!

(Em ơi cây gẫy còn mọc chồi

Cổ đứt còn nên người không em?)

Em bé chăn trâu liền trả lời động viên chàng:

Mạy tắc nhằng tứn lừn

Cò cún nhằng pền cần chậy, bố lao náo chài ạ !

(Cây gẫy còn mọc chồi

Cổ đứt vẫn nên người thôi

Không lo đâu anh ạ).

Được câu nói động viên tự nhiên cổ anh chàng được liền một nửa, chàng đi tiếp đến giữa làng gặp một ông già đi ngang qua chàng liền hỏi câu hỏi như trên, ông già cũng trả lời như đứa bé chăn trâu. Sau câu trả lời động viên của ông già đầu chàng được gắn liền lại gần hết, chỉ thêm một người thứ ba nữa động viên là chắc chắn chàng sẽ lại được sống nên người. Chàng tiếp tục ôm đầu về nhà vừa trông thấy mẹ chàng liền hỏi bà mẹ câu hỏi như trên.

Bà mẹ nhìn thấy con máu me đầy người cổ còn hằn vết đứt ngang cổ liền ôm con òa lên khóc thảm thiết.

Mạy tắc nhằng tứn lừn

Cò cún bâú pền cần a lục ạ!

“Cây gẫy còn mọc chồi, cổ đứt không nên người rồi con ạ”.

Tình mẫu tử không phải lối đã kết thúc cuộc đời người con trai vì chẳng được câu nói tốt đẹp gì hơn cả người ngoài. Chàng từ từ gục xuống hồn lìa khỏi xác vĩnh viễn, bỏ lại người vợ thân thương đang ngồi khóc gào thảm thiết. Mọi người tập trung lo hậu sự cho chàng, nửa đêm khi mọi người đã về hồn chàng mới hiện về báo với người vợ:

Nàng hãy lấy xác tôi bí mật chặt ra cho vào chum cất giấu để trong buồng sau một tuần nàng hãy nấu cháo để nguội, ngày 3 lần đổ cháo vào chum!

Người vợ làm theo lời báo mộng của chồng một cách bí mật không cho ai biết kể cả người mẹ. Việc làm dấm dúi của con dâu không qua khỏi sự tò mò của mẹ chồng.

Rồi một ngày nhân lúc con dâu đi vắng bà lẻn vào buồng thấy một cái chum to bà vội mở miệng chum ra xem thì thấy toàn giòi là giòi đầy nhung nhúc, bà liền đem một nồi nước nóng đổ vào chum toàn bộ giòi trong chum chết hết.

Chiều tối người con dâu đi làm về như thường lệ nàng lẳng lặng bê cháo vào buồng nàng mở nắp chum để đổ cháo thì thấy toàn bộ số giòi đã chết, nàng quay ra hỏi mẹ:

- Chiều nay con đi vắng, mẹ có được vào buồng con làm gì không?

- Thấy trong chum toàn giòi là giòi nhung nhúc khiếp quá tao đổ nước sôi vào chết hết rồi.

Nàng ôm đầu khóc tuyệt vọng một lần nữa với người mẹ chồng ngang tàng ngu xuẩn, đêm đó hồn chàng lại hiện về báo với vợ mình:

- Nàng hãy mang chum giòi đổ ra vườn, nó sẽ mọc lên thành một bãi trúc nàng nhớ kỹ sau này có người đến hỏi mua giá mỗi cây trúc là một đồng nhiều không lấy ít không bán.

Người vợ giật mình tỉnh dậy nghe theo lời báo mộng của chồng nàng mang chum giòi đã chết đổ ra vườn.

Đúng như lời báo mộng của người chồng số giòi đã chết đổ ra vườn mọc thành một bãi trúc xanh rờn đúng là thiên thời địa lợi chỉ thiếu nhân hòa mới trở thành câu chuyện bi thảm mang tính thần thoại để lại cho muôn đời. Thời gian thấm thoát trôi qua vườn trúc phát triển tươi tốt mỗi cây trúc đã to bằng bắp chân bắp tay lá trúc xanh rờn tung bay trước gió, một hôm có ông buôn vò đi ngang qua vô tình bị gãy đòn gánh ông gặng hỏi mua một cây trúc để làm đòn gánh.

- Hãy bán cho tôi một cây trúc để làm đòn.

Nhớ lời báo mộng của chồng người vợ trả lời:

- Một cây trúc một đồng ông ạ!

- Tám hào hãy bán cho tôi.

- Không một đồng một cây cháu mới bán.

- Tôi chỉ còn chín hào hãy bán cho tôi đi.

Người vợ vẫn nhất quyết.

- Không! được một đồng cháu mới bán.

Hai bên giằng co mặc cả hồi lâu không qua khỏi sự tò mò của người mẹ chồng, bà phủ quyết lời nàng.

- Tao bán! thiếu một hào có sao đâu, thiếu một hào có giàu được đâu người ta đã có lời xin van nài, đất của tao, vườn của tao, cây của tao, tao bán!

Người buôn vò thấy vậy cười khẩy lắc đầu, rồi bà hăm hở cầm dao vào chặt một cây trúc cho khách làm đòn, bà vừa cầm dao chặt vào cây trúc thì cả bãi trúc nổ tung cùng một lúc, mỗi dóng trúc là một chiến binh, mỗi đốt trúc là một con ngựa chiến, mỗi lá trúc là một chiến thuyền phải nói là đầy đủ lính thủy, lính bộ, thiên binh vạn mã nhưng do giá không đủ một đồng một cây trúc đồng nghĩa với chưa đủ thời gian trưởng thành cũng như con người sinh non chưa đủ chín tháng mười ngày nên số người ngựa ngọ nguậy một lúc rồi chết hết. Đáng lẽ ra số binh mã này sẽ cùng chàng quay về kinh đô diệt trừ bọn quan tham nịnh thần bảo vệ nhà vua phục hồi chế độ giúp nhà vua bảo vệ muôn dân xã tắc.

Sau khi chàng quan phủ họ Lương chết, để tưởng nhớ ông, Nhân dân địa phương lập đền thờ và thờ cả người mẹ vì đã có công sinh ra một người con tài giỏi. Riêng lễ vật bên bục thờ mẹ luôn phải có một đoạn khấu đuôi của con lợn còn sống và cả phân, bà con quanh vùng thờ cúng hàng năm vào chiều tối 30 Tết, địa điểm của đền ở đầu thôn Nà Phải bên đường vào xã Vi Hương nơi tiếp giáp với hai xã Vi Hương và Phương Linh, nay thuộc thị trấn Phủ Thông.

Câu chuyện kết không có hậu mang tính truyền thuyết huyền thoại nhưng có thật có từ trước, có từ rất lâu và để lại cho muôn đời.

Tác giả: Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Kim

Địa chỉ: Thôn Nà Chá, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn

Nguồn sưu tầm: Từ các cụ cao tuổi ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn

Xem thêm