Sáng 15/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đánh giá kết quả thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Nông nghiệp đã chủ động, tích cực trong công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đạt “mục tiêu kép” góp phần đưa giá trị tăng thêm nông nghiệp (theo giá so sánh) tăng gần 946 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm đề ra.
![]() |
Lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu giải trình một số ý kiến do các huyện, thành phố nêu. |
Tốc độ tăng trưởng ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng đầu năm tăng 3,69% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 2.687 tỷ đồng, theo giá so sánh năm 2010 đạt 1.622 tỷ đồng.
Tổng diện tích cây trồng vụ đông xuân năm 2021-2022 là 22.414ha, đạt 96% kế hoạch, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích lúa mùa sớm đã cấy 2.486/14.080ha, đạt 18% kế hoạch; cây ngô đã trồng 864ha, các cây trồng khác đang tiến hành làm đất chuẩn bị trồng gieo trồng.
Công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, các địa phương đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng. Diện tích trồng rừng mới đạt 4.019ha, đạt 100,5% kế hoạch.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện. Các địa phương tổ chức lễ công bố 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Thành phố Bắc Kạn đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020, hiện nay đang chuẩn bị tổ chức Lễ công bố.
Tại Hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 trong 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Hiện nay, toàn tỉnh có 656 tổ hợp tác hoạt động, với 7.210 thành viên, tăng 141 tổ hợp tác so với năm 2021. Có 320 hợp tác xã, tăng 16 hợp tác xã (HTX) so với năm 2021, trong đó thành lập mới 24 HTX, giải thể 16 HTX, ngừng hoạt động 25 HTX, tạm ngừng hoạt động 11 HTX. Đa số tổ hợp tác, hợp tác xã chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động có hiệu quả, thu hút được nhiều lao động địa phương.
Các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ tiêu chí nông thôn mới; Phương án sản xuất vụ đông năm 2022; kiến nghị, đề xuất tháo gỡ một số vướng mắc.
Theo đánh giá tại Hội nghị, việc triển khai các nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 09 và Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy đã được các huyện, thành phố triển khai cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế về chất lượng triển khai, chưa gắn với điều kiện thực tế của địa phương. Do vậy, trong thời gian tới cần sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân để các chính sách, nghị quyết được triển khai sâu rộng, chất lượng hơn.
![]() |
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị. |
Để thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản năm 2022, ngành Nông nghiệp xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh. Hoàn thành các mục tiêu tăng thêm 09 xã nông thôn mới, 02 xã nông thôn mới nâng cao, 60 thôn nông thôn mới; có 20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa chỉ đạo: Các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa, vụ đông, thực hiện cơ cấu lại và xây dựng nông thôn mới thông qua việc tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; xác định cơ cấu giống cây trồng thích hợp với điều kiện địa phương nhằm thống nhất trong chỉ đạo sản xuất. Chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo sản xuất, bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Đánh giá lại những dự án không thực hiện được việc đấu thầu để kịp thời khắc phục; tập trung các nguồn lực để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Sở Tài chính cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để tạo cơ chế cấp xe ô tô phục vụ công tác cho các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT.../.
Phan Quý