Sẽ khóa 2 chiều và thu hồi sim điện thoại không chuẩn hóa thông tin

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Từ ngày 01/4, các doanh nghiệp viễn thông đã khóa chiều gọi đi đối với thuê bao không thực hiện chuẩn hóa thông tin. Sau ngày 15/4, nếu thuê bao vẫn không thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ khoá điện thoại 2 chiều, sau ngày 15/5 thực hiện thu hồi sim.

"Ngày 01/4, điện thoại bị khóa gọi đi, tôi vội vàng đến quầy giao dịch của nhà mạng và được nhân viên hỗ trợ bổ sung thông tin, hoàn tất thủ tục chuẩn hóa thuê bao. Trước đây, số thuê bao của tôi đã đăng ký thông tin, tuy nhiên chưa đầy đủ, có sự sai sót về căn cước công dân”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân ở tổ 13 phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) chia sẻ.

Sau khi bị khóa 1 chiều, nhiều thuê bao di động đã nhanh chóng chuẩn hóa thông tin để không bị gián đoạn liên lạc. Đó là các thuê bao có thông tin đăng ký chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng không kịp thời cập nhật thông tin theo thời hạn.

Viettel Bắc Kạn là đơn vị viễn thông có số lượng thuê bao di động trả trước cần chuẩn hóa nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với hơn 4.100 thuê bao. Giám đốc Viettel Bắc Kạn Trịnh Đức Trình cho hay: Tỷ lệ thông tin sai, chưa thống nhất của mạng Viettel tại Bắc Kạn chỉ khoảng 4 – 5% (tương đương hơn 4.100 thuê bao), là những thuê bao có số căn cước công dân chưa chính xác, thiếu ngày tháng năm sinh, thiếu hình ảnh... Hiện số thuê bao đã thực hiện chuẩn hóa đạt trên 2.600 thuê bao, còn khoảng 1.500 thuê bao chưa chuẩn hóa đã khóa chiều gọi đi.

Đối với Mobifone Bắc Kạn, số thuê bao cần bổ sung thông tin là 142 thuê bao. Thực hiện quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Mobifone Bắc Kạn đã chuẩn hóa 69 thuê bao, còn 73 thuê bao chưa bổ sung dữ liệu thông tin và đã khóa chiều gọi đi.

Mạng Vinaphone có 2.587 thuê bao trên địa bàn tỉnh phải thực hiện chuẩn hóa trước ngày 31/3/2023. Đến thời điểm này, Trung tâm Kinh doanh VNPT - Bắc Kạn cơ bản hoàn tất chuẩn hóa thông tin với 2.582 thuê bao được bổ sung cập nhật các dữ liệu theo yêu cầu, 05 thuê bao đã thực hiện khóa 1 chiều.

Những ngày cao điểm, tại các điểm giao dịch trung bình có khoảng 35 - 40 người đến làm thủ tục chuẩn hóa thông tin. Trong đó, chủ yếu là các trường hợp chuyển đổi chủ sở hữu thuê bao, chuyển từ chứng minh thư cũ sang căn cước công dân gắn chip. Trung bình mỗi người chỉ mất 5 phút để hoàn thành thủ tục chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Triển khai chiến dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã tăng cường trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực, chủ động rà soát, phân chia các tập thuê bao, đẩy mạnh truyền thông để người sử dụng được biết và nhanh chóng thực hiện theo quy định.

Các điểm giao dịch đều có tờ gấp, bảng biểu, hình ảnh liên quan đến việc đăng ký thông tin để truyền đạt thông tin nhanh nhất, hướng dẫn để khách hàng dễ dàng tự cập nhật tại nhà. Đối với những người già, không thông thạo smartphone, máy tính sẽ đến các điểm giao dịch để nhân viên hỗ trợ trực tiếp.

Từ ngày 01/4, các doanh nghiệp viễn thông đã nghiêm tục thực hiện khóa chiều gọi đi đối với những thuê bao trong diện chuẩn hóa thông tin nhưng chưa làm thủ tục theo quy định. Trước khi khóa 2 chiều (ngày 15/4), các nhà mạng tiếp tục gửi tin nhắn, triển khai cuộc gọi thông báo tới các thuê bao di động trong diện cần phải chuẩn hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời tiếp tục phục vụ khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao tại các điểm giao dịch, trên web và qua ứng dụng (app).

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao di động. Mục đích của việc làm này là đảm bảo thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư, từ đó giải quyết tình trạng sử dụng SIM thuê bao di động không đúng quy định, SIM “rác” thực hiện hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật… Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động là một trong các hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Theo các đơn vị viễn thông, trong trường hợp đã trùng khớp, nhà mạng tiếp tục định kỳ đối soát cơ sở CSDL quốc gia về dân cư. Khi CSDL này có thêm dữ liệu của người dân khi họ đến làm CCCD mới hay cập nhật CMND thì nhà mạng tiếp tục cập nhật và đối soát định kỳ với CSDL quốc gia về dân cư./.

Xem thêm