Sắc xuân trong tranh của họa sĩ Trương Mạnh Sáng

0:00 / 0:00
0:00
BBK -  Tác phẩm hội họa của họa sĩ Trương Mạnh Sáng cũng hiền lành, trong trẻo như chính người đã vẽ nên những bức tranh ấy. Bước vào không gian của riêng họa sĩ sẽ thấy cuộc sống dường như thêm rạng rỡ, hân hoan thông qua những hình ảnh và câu chuyện bình dị.
Họa sĩ Mạnh Sáng miệt mài sáng tạo.

Họa sĩ Mạnh Sáng miệt mài sáng tạo.

Không gian sắc màu riêng mang tên Mạnh Sáng

Họa sĩ Mạnh Sáng sinh năm 1980, quê gốc ở xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn. Gia đình anh chuyển đến sinh sống tại thành phố Bắc Kạn đã nhiều năm, dù vậy tâm hồn và trái tim anh vẫn luôn dành tình yêu lớn cho bản sắc văn hoá dân tộc vùng cao.

Ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu bé Mạnh Sáng đã sớm bộc lộ năng khiếu và tình yêu dành cho môn Mỹ thuật. Năm 1997, Mạnh Sáng theo học chuyên ngành Hội họa tại Trường Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc. Sau một thời gian công tác, năm 2011, anh tiếp tục theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chuyên ngành đồ hoạ. Cũng từ đây, những bức tranh nghệ thuật mang tên Mạnh Sáng dần xuất hiện. Đến năm 2014, họa sĩ Mạnh Sáng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Kạn.

Đến với không gian đậm chất văn hoá của họa sĩ Mạnh Sáng, nhiều người ấn tượng bởi nét vẽ cầu kỳ, tỉ mẩn trong từng đồ vật, hình trang trí dù là nhỏ nhất. Tranh của anh chủ yếu vẽ về bản sắc văn hoá vùng cao thuần túy, đây là một đề tài tương đối quen thuộc. Nhưng anh tạo nên những điều khác biệt để người yêu tranh có thể bật ra tên Mạnh Sáng từ những cái nhìn đầu tiên. Xem tranh, sẽ thấy anh thường đào sâu trong kỹ thuật vẽ, vẽ tỉ mỉ, cẩn thận trau chuốt theo phong cách riêng. Từ cột nhà sàn, chú gà con bé xíu, then cài cửa cho đến từng bông hoa trang trí ở trang phục truyền thống qua đôi tay của anh đều trở nên sinh động và tràn ngập sức sống.

Từ những tiểu tiết nhỏ bé đó, người xem tranh sẽ mở ra những câu chuyện khác nhau về mảnh đất vùng cao Việt Bắc. Họa sĩ Mạnh Sáng là người rất ít nói, dường như tâm tư của anh đều đã gửi hết vào những tác phẩm nghệ thuật, vậy nên nếu hỏi về tranh anh vẽ, sẽ chỉ được nghe giới thiệu ngắn về những ý tưởng mà anh thể hiện. Dù vậy, ngắm tranh của họa sĩ Mạnh Sáng, mỗi người đều có thể hình dung ra hình ảnh và câu chuyện của riêng mình. Đó là khung cảnh trong trẻo, hồn nhiên “chơi chuyền”, “Tuổi trăng tròn”, là một góc bình an, khi đón “Gió mùa đông bắc”; “Ngắm trăng”… Từ những tác phẩm như thế, mỗi người như bắt gặp một góc nhỏ đã bị lãng quên trong ký ức, từ đó mở những những miền thương nhớ, an yên và tĩnh lặng.

Tác Tác phẩm Người đẹp núi Hoa của họa sĩ Mạnh Sáng ở bìa của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.Tác Tác phẩm Người đẹp núi Hoa của họa sĩ Mạnh Sáng ở bìa của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Trong tranh của Trương Mạnh Sáng có các em nhỏ, có thiên nhiên sinh động, và có cả những khát khao mong ước bình dị, của người hoạ sĩ yêu tha thiết bản sắc văn hoá truyền thống.

Vẽ niềm vui trong từng tác phẩm

Cùng với đề tài vùng cao quen thuộc, hoạ sĩ Mạnh Sáng còn để lại ấn tượng cho người xem bởi những tác phẩm nghệ thuật mang lại cảm giác bình an, no ấm. Những nét vẽ trong tranh rất mềm mại, trong trẻo, dịu dàng, đến nỗi khi ngắm tranh mỗi người đều bất giác mỉm cười.

Tác phẩm: Nét đẹp cô gái vùng caoTác phẩm: Nét đẹp cô gái vùng cao

Trong rất nhiều lần trò chuyện, anh Sáng đều chia sẻ tình yêu bất tận với văn hoá các dân tộc vùng cao. Trong những chuyến đi thực tế, gặp bất cứ cảnh gì anh đều chụp ảnh, sau đó khi về nhà sẽ liên kết lại và tạo thành một bức tranh. Anh bảo rằng, nhiều người nghĩ rằng bà con vùng cao sống rất khổ, nhưng thực tế họ rất đơn giản và bình yên. Dù điều kiện sống có thể còn nhiều thiếu thốn, nhưng ai cũng luôn lạc quan, vui tươi. Hiện nay, đời sống của người dân đang ngày càng được nâng lên, nhưng một số bản sắc văn hoá đang dần bị mai một. Chính vì vậy, khi vẽ tranh, tôi mong rằng có thể lưu lại những giá trị truyền thống của các dân tộc, đồng thời đưa đến cho người xem những hình ảnh thật đẹp về đất và người ở quê hương Bắc Kạn.

Xem tranh của họa sĩ Mạnh Sáng, người thưởng lãm sẽ có những ấn tượng đầu tiên với màu sắc hài hoà, trầm ấm mà anh sử dụng. Trong tranh của anh, có rất nhiều chi tiết nhỏ nhưng qua bàn tay tài hoa của họa sĩ, các đồ vật, tiểu tiết vẫn giữ được màu sắc đặc trưng, mà bức tranh vẫn có sức thu hút, nổi bật. Ngoài những nét vẽ như “chụp” lại ở một số hình ảnh, thì nét đặc sắc trong tranh của họa sĩ Mạnh Sáng là các nhân vật, trong tất cả các bức tranh, từ chàng trai, cô gái, cho đến trẻ em gương mặt ai cũng tròn đầy, tươi sáng. Đây là cách vẽ được anh học hỏi lại trong những bức tranh dân gian từ lâu đời, chính vì vậy xem tranh luôn có cảm giác hoài niệm về những ký ức tươi đẹp, bình an.

Họa sĩ Mạnh Sáng và người nước ngoài yêu tranh.Họa sĩ Mạnh Sáng và người nước ngoài yêu tranh.

Những bức tranh với tên gọi đơn giản như: “Đợi mẹ trên nương”; “Sắc chàm”; “Đám cưới người Dao”; “Điệu múa đêm trăng”… mang đến khung cảnh đặc sắc quen thuộc ở những bản làng của các dân tộc: Mông; Dao; Sán Chỉ; Tày; Nùng. Xem tranh của họa sĩ Mạnh Sáng, người yêu tranh gần xa sẽ nhớ về quê hương của tác giả với những bản sắc văn hoá riêng biệt, đồng thời tràn đầy những điều thú vị đang chờ được khám phá./.

Bích Phượng

Xem thêm