Sắc màu bún cẩm Bắc Kạn

0:00 / 0:00
0:00
BBK -

"Lên Bắc Kạn công tác hoặc đi Cao Bằng qua Bắc Kạn, sản phẩm đầu tiên tôi tìm đến mua là bún cẩm, bún ngũ sắc của đồng bào Bắc Kạn. Do là người thường xuyên mua nên tôi quen mua tại điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, tại đây rất nhiều sản phẩm nông sản đều đạt chất lượng OCOP nên tôi rất yên tâm"- Chị Nguyễn Thị Thắng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ.

Tại Hội chợ Công thương khu vực Đông Bắc - Bắc Kạn, chị Phạm Thị Nguyệt, một người khách đến từ Chiêm Hóa, Tuyên Quang chia sẻ: "Bắc Kạn có rất nhiều sản phẩm nông sản đặc sản, trong đó, tôi thấy sản phẩm bún cẩm rất bắt mắt, tôi đã mua 20 túi về để gia đình dùng dần”.

Trên địa bàn huyện Na Rì, sản phẩm bún cẩm OCOP của HTX bún Huy Hùng, có địa chỉ tại thôn Pàn Xả, xã Lương Thượng luôn là địa chỉ tin cậy của nhiều người tiêu dùng thời gian qua. Từ sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn huyện, hiện nay đã mở rộng thị trường trong, ngoài tỉnh như: Thái Nguyên, Hà Nội... Thành lập HTX năm 2021, “sinh sau, đẻ muộn” hơn nhiều HTX khác trên địa bàn huyện, nhưng HTX bún Huy Hùng sớm khẳng định được thương hiệu cho sản phẩm của mình và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh, huyện tham quan gian hàng bún cẩm, bún trắng tại chợ đêm thị trấn Yến Lạc (Na Rì) tổ chức năm 2022.

Lãnh đạo tỉnh, huyện tham quan gian hàng bún cẩm, bún trắng tại chợ đêm thị trấn Yến Lạc (Na Rì) tổ chức năm 2022.

Anh Nông Thiêm Hùng, Giám đốc HTX bún Huy Hùng cho biết: “Từ suy nghĩ để bún không chỉ dừng lại bữa ăn trong những ngày lễ, Tết mà trở thành món ăn thường xuyên hằng ngày và phát triển, đứng vững trên thị trường. Do đó, HTX có đã thử nghiệm và thành công khi đưa màu sắc tự nhiên vào sản phẩm. Bún cẩm được sản xuất theo phương pháp truyền thống, với nguyên liệu tự nhiên, đảm bảo an toàn, tốt cho sức khỏe. Trước khi xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, HTX chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng gửi đi làm quà tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng… Nay bún cẩm của HTX đã có mặt ở nhiều cửa hàng, sàn thương mại điện tử".

Khách hàng chọn mua bún cẩm Huy Hùng (Na Rì) tại một cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Bắc Kạn.

Khách hàng chọn mua bún cẩm Huy Hùng (Na Rì) tại một cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Bắc Kạn.

Theo anh Hùng, bún cẩm được làm từ lá cẩm tím đun lên, lọc lấy nước rồi trộn với gạo ngâm qua đêm. Sau đó đem gạo xát thành bột, trộn thêm nước lá cẩm đun sẵn để màu đậm, đẹp hơn. Tiếp đó ép thành sản phẩm bún cẩm, đem ra phơi nắng từ 3 - 5 ngày là có thể đóng gói.

HTX Tố Mười ở xã Công Bằng (Pác Nặm), cũng là đơn vị chuyên sản xuất bún sắc mầu. Nguyên liệu để tạo nên sản phẩm bún ngũ sắc được bà con sử dụng là các loại rau củ quả như: Bí đỏ, lá cẩm, hoa đậu biếc… làm mầu, vì vậy sợi bún bóng, màu sắc rất bắt mắt, phong phú sản phẩm. Ngoài màu sắc ưa nhìn, bún còn chứa nhiều loại dinh dưỡng như: Vitamin C, Vitamin K, Vitamin A, Vitamin B, canxi… Năm 2022, sản phẩm bún ngũ sắc Tố Mười được tham gia cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn và vào vòng Chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp nông thôn sáng tạo năm 2022, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Bún cẩm, bún ngũ sắc của người nông dân Bắc Kạn được chế biến hoàn toàn tự nhiên, làm từ gạo Bao thai nổi tiếng của Bắc Kạn, sản xuất theo phương pháp truyền thống, không phụ gia, không chất bảo quản đang từng bước khẳng định thương hiệu và có mặt trên một số thị trường lớn trong cả nước. Đây chính là động lực để các chủ thể thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng năng suất, thu nhập./.

Xem thêm