Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật.

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho một số đối tượng không có khả năng tài chính để tiếp cận các dịch vụ pháp lý có thu phí, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý thường là người nghèo và các đối tượng yếu thế khác.

Thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý được thực hiện như thế nào?

Thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 16 Nghị định 144/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, căn cứ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho người có đủ điều kiện quy định, thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:

- Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên:

Người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, nếu có nguyện vọng làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý và nhất trí với các nội dung cơ bản của hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì gửi 01 bộ hồ sơ đến Trung tâm ở địa phương nơi mình cư trú. Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm:

+ Đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu;

+ Giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;

+ Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm.

- Cách thức nộp hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên:

+ Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở Trung tâm, người đề nghị làm cộng tác viên nộp đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu và Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;

+ Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người đề nghị làm cộng tác viên gửi các đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu và Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm; bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;

+ Trường hợp gửi qua fax, hình thức điện tử, người đề nghị làm cộng tác viên gửi các giấy tờ quy định đến Trung tâm.

- Thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý:

+ Trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Trung tâm lựa chọn hồ sơ trình Giám đốc Sở Tư pháp xem xét cấp thẻ cộng tác viên. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho người đề nghị làm cộng tác viên và thông báo rõ lý do bằng văn bản.

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ do Giám đốc Trung tâm trình, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, quyết định cấp thẻ cộng tác viên theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành. Bộ Tư pháp cấp phôi thẻ cộng tác viên.

+ Trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người đề nghị làm cộng tác viên. Người bị từ chối có quyền khiếu nại đối với việc từ chối cấp thẻ cộng tác viên. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Khi sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý phải tuân thủ những quy định gì?

Khi sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý phải tuân thủ những quy định tại Điều 17 Nghị định 144/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Cộng tác viên phải mang theo thẻ cộng tác viên trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, và xuất trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

- Cộng tác viên có trách nhiệm bảo quản thẻ cộng tác viên.

- Nghiêm cấm việc dùng thẻ cộng tác viên vào mục đích tư lợi hoặc vào việc riêng. Cộng tác viên không được dùng thẻ cộng tác viên thay giấy giới thiệu, giấy chứng minh nhân dân hoặc các loại giấy tờ tùy thân khác;

- Không được cho người khác mượn thẻ cộng tác viên; khi mất thẻ cộng tác viên thì phải thông báo bằng văn bản ngay cho Giám đốc Trung tâm nơi ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Cộng tác viên vi phạm các quy định về việc sử dụng thẻ cộng tác viên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị thu hồi thẻ, bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý bị thu hồi trong những trường hợp nào?

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 144/2017/NĐ-CP,Giám đốc Trung tâm đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp thu hồi thẻ cộng tác viên trong các trường hợp sau đây:

- Cộng tác viên không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan;

- Cộng tác viên thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động trợ giúp pháp lý nhưng chưa đến mức bị thu hồi thẻ mà còn tiếp tục có hành vi vi phạm;

- Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý bị chấm dứt hoặc cộng tác viên không ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp thẻ mà không có lý do chính đáng.

Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cần những điều kiện gì?

Theo khoản 3 Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định về điều kiện để Luật sư ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước bao gồm:

“Điều 14. Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý

… 3. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với luật sư có đủ điều kiện sau đây:

a) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư;

b) Không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

c) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà luật sư ký kết hợp đồng lao động.”

55. Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý quy định như thế nào?

Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 18 Luật Trợ giúp pháp lý, gồm có:

- Người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ chung sau đây:

+ Thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật;

+ Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về tố tụng;

+ Được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

+ Bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;

+ Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý;

+ Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Bồi thường hoặc hoàn trả một khoản tiền cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã trả cho người bị thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

- Ngoài các quyền và nghĩa vụ chung của người thực hiện trợ giúp pháp lý, trợ giúp viên pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

+ Tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

+ Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công;

+ Được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

- Luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước được hưởng thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định.

Người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng có trách nhiệm gì?

Tại Điều 5 Thông tư liên tịch 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định Trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng như sau:

Điều 5. Trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng

1. Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý.

2. Trong tố tụng hình sự, người thực hiện trợ giúp pháp lý không được bào chữa, không tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp sau đây:

a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật tố tụng hình sự;

b) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý.

3. Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, người thực hiện trợ giúp pháp lý không tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về tố tụng, đồng thời báo cáo tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý nếu phát hiện người tiến hành tố tụng có quyết định, hành vi tố tụng trái pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

(Còn nữa)

Xem thêm