Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 ảnh 1

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở vị trí trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc, giáp 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam và nước CHDCND Lào với hơn 274 km đường biên giới , có diện tích tự nhiên hơn 14.000 km2, lớn thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước. Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính, dân số trên 1,3 triệu người, 12 dân tộc sinh sống, tạo cho Sơn La nền văn hoá dân tộc đặc sắc, phong phú… nổi bật là Nghệ thuật xóe Thái được UNESCO ghi danh là Di dản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lợi thế về khí hậu, đất đai trên 1.000.000 ha đất nông nghiệp, đến nay, Sơn La có tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra đạt hơn 84.160 ha, sản lượng đạt trên 455.000 tấn. Có 17 sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang 21 nước, như: Mỹ, EU, Nhật, Nga, Hàn Quốc... có 148 sản phẩm OCOP; 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn.

Đặc biệt, nằm dọc Quốc lộ 6 có 2 cao nguyên Mộc Châu và Cao nguyên Nà Sản, độ cao trung bình 800-1000 m, đặc trưng khí hậu cận ôn đới, đất đai màu mỡ thuận lợi phát triển chè, cây ăn quả, chăn nuôi bò sữa và các loại rau, hoa. Đến nay, toàn tỉnh có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Lĩnh vực công nghiệp duy trì phát triển theo hướng tích cực, đảm bảo tăng trưởng vừa cơ cấu lại theo đúng định hướng, trọng tâm là công nghiệp sản xuất điện từ năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến nông sản

Khai thác hiệu quả tiềm năng thủy điện 2 con sông lớn, sông Đà, sông Mã và các suối thuộc lưu vực. Hiện nay, tỉnh Sơn La có 60 thủy điện, tổng công suất 3.790,5MW. Tổng sản lượng thủy điện toàn tỉnh hàng năm đạt 12-15 tỷ kwh, bằng 17% sản lượng thủy điện cả nước.

Nhà máy Thủy điện Sơn La

Hệ thống giao thông kết nối giữa Sơn La với các tỉnh trong vùng từng bước nâng cấp như: Quốc lộ 6 nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc; tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng. Các tuyến Quốc lộ 37, Quốc lộ 279 kết nối Sơn La với các tỉnh Đông Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ. Sơn La có cửa khẩu quốc tế Lóng Sập và cửa khẩu quốc gia Chiềng Khương kết nối với các tỉnh phía Bắc nước bạn Lào, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Tầm nhìn quy hoạch tỉnh Sơn La giữ vững sự cân bằng xã hội - kinh tế - môi trường. Trong đó, lấy phát triển, gia tăng giá trị kinh tế xanh, nhanh, bền vững là chiến lược chủ đạo. Tỉnh Sơn La xác định bốn không gian kinh tế đặc trưng, gồm:

Vùng Đô thị và Quốc lộ 6: Gồm thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn, huyện Thuận Châu. Nằm trong miền ảnh hưởng của 2 hành lang Kinh tế kỹ thuật - Đô thị Quốc lộ 6; Cao Tốc Hòa bình - Sơn La - Điện Biên và Hành lang Sông Đà. Vùng có dân cư đông đúc, tổng vốn cơ sở vật chất lớn. Thành phố Sơn La là đô thị trung tâm, cực tăng trưởng trung tâm; huyện Thuận Châu lợi thế về tài nguyên rừng và thủy năng lớn; huyện Mai Sơn có cảng hàng không Nà Sản và cao nguyên Nà Sản, đòng thời là vùng nông nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là vùng động lực chủ đạo phát triển của tỉnh.

Vùng Cao nguyên Mộc Châu và phụ cận: Gồm các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu. Nằm trong miền ảnh hưởng của 2 hành lang Kinh tế: Quốc lộ 6, Quốc lộ 43. Là vùng cao nguyên có cảnh quan đẹp, đất đai phì nhiêu, khí hậu trong lành mát mẻ, dân cư đông đúc. Có khu du lịch Mộc Châu là thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, được nhận giải thưởng “điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu thế giới”. Được xác định là vùng động lực chủ đạo của tỉnh và là cực đối trọng phát triển với cực trung tâm thành phố Sơn La.

Vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà: Gồm các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên. Nằm ở miền ảnh hưởng của 4 hành lang kinh tế: Sông Đà; Quốc lộ 6, Quốc lộ 279D & Quốc lộ 4G và hành lang Quốc lộ 43; là vùng lưu vực của sông Đà, đất đai phì nhiêu, giầu khoáng sản và các tài nguyên về rừng, thủy năng, nước ngầm; đa dạng sinh thái…; thuận lợi phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như: Nuôi thủy sản, nông nghiệp đặc thù; du lịch sinh thái, công nghiệp khai khoáng, chế biến…

Vùng cao biên giới: Gồm 2 huyện Sông Mã, Sốp Cộp. Nằm ở miền ảnh hưởng của 3 hành lang Kinh tế: Hành lang Quốc lộ 6, Quốc lộ 279D, Quốc lộ 4G và hành lang sông Mã; là vùng núi cao, đất đai phì nhiêu, tươi tốt, thuận lợi phát triển nông nghiệp đặc thù và du lịch nghỉ dưỡng…

1. Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn: Phát triển hệ thống đô thị tỉnh Sơn La hướng tới tiêu chí đô thị bền vững thông minh, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, có trọng điểm phát triển chiều sâu lẫn chiều rộng. Giai đoạn 2021 - 2025: Toàn tỉnh có 16 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV, 13 đô thị loại V); đô thị hóa đạt 20,6,1%. Giai đoạn 2026 - 2030: Toàn Tỉnh có 17 đô thị (1 Đô thị loại II, 6 Đô thị loại IV, 10 Đô thị loại V), tỷ lệ Đô thị hóa khoảng 25,8%. Xây dựng nông thôn tỉnh Sơn La theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đến năm 2030.

2. Phát triển Khu kinh tế, KCN, Cụm Công nghiệp: Trong thời kỳ quy hoạch hình thành và phát triển 2 Khu kinh tế cửa khẩu Lóng Sập, KKT cửa khẩu Chiềng Khương, 2 KCN gồm khu công nghiệp Mai Sơn; khu công nghiệp Vân Hồ và 15 cụm công nghiệp.

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra thực địa các điểm dự kiến xây dựng khu TĐC của dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

3.Phát triển mạng lưới giao thông: Tập trung phối hợp thực hiện các dự án giao thông của Trung ương đầu tư trên địa bàn, như: Đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La- Điện Biên, Cảng hàng không Nà Sản, nâng cấp, mở rộng một số quốc lộ trọng yếu và triển khai các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng điện, nước, thông tin truyền thông, thủy lợi, xử lý chất thải, PCCC.

Nguồn lực đất đai phải được sử dụng hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm, bền vững; Chỉ tiêu phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai đến năm 2030 của tỉnh Sơn La phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030: Trong đó, đến năm 2030: Đất nông nghiệp 1.241.856 ha; đất phi nông nghiệp 76.242 ha; đất chưa sử dụng 92.791 ha.

1.Phương án phát triển vùng liên huyện. Dựa trên nền tảng các liên kết nội vùng, lẫn ngoại vùng, kết hợp giữa tiếp cận kinh tế xã hội, tiếp cận không gian lãnh thổ hướng tới sự phát triển cân bằng và đồng chất giữa các huyện, thành phố. Tỉnh Sơn La quy hoạch xây dựng 4 vùng liên huyện gồm: Vùng Đô thị và Quốc lộ 6 (thành phố Sơn La và phụ cận); vùng Cao nguyên Mộc Châu và phụ cận (Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu); vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà (Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên); Vùng Cao Biên Giới (Sông Mã, Sốp Cộp).

Cánh đồng chè Mộc Châu.

2. Phương án phát triển không gian và tổ chức lãnh thổ: Tổ chức cấu trúc tổng thể không gian kinh tế - xã hội tỉnh là sự sắp xếp, phối hợp các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt xã hội trong một mối quan hệ liên ngành, liên vùng, bảo đảm phát triển bền vững của một lãnh thổ. Cấu trúc mạng lưới tổng thể không gian kinh tế - xã hội tỉnh phát triển dạng tam giác kết hợp ô bàn cờ; đảm bảo khoảng cách gần tương ứng, đi và đến rất nhanh giữa các trọng điểm kinh tế - xã hội (cực tăng trưởng). Theo đó, hệ thống cực tăng trưởng trong cấu trúc không gian kinh tế xã hội của Sơn La, gồm: Cực trung tâm, là thành phố Sơn La - Cao nguyên Nà Sản; cực đối trọng (là đô thị Mộc Châu - Vân Hồ) và Cực vệ tinh là các đô thị, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

1. Phát triển ngành Nông nghiệp: Theo hướng nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao, hiện đại, bền vững, sức cạnh tranh cao trên cơ sở phát triển đa dạng hóa các loại hình canh tác, như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.... Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế, có sản lượng lớn; gắn kết với các ngành khác hỗ trợ lẫn nhau về cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, máy móc, vật tư... Phấn đấu đưa Sơn La là trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, thuộc nhóm dẫn đầu trong vùng Tây Bắc và miền núi phía Bắc.

Công nhân Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La, trong ca sản xuất.

2. Phát triển ngành Công nghiệp: Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp có lợi thế từng địa phương, trọng tâm phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt chế biến nông, lâm thủy sản gắn phát triển, bảo vệ rừng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất theo công nghệ tuần hoàn, xanh, sạch, bền vững; khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sử dụng nhiều lao động... Đến năm 2030, Sơn La trở thành Trung tâm chế biến nông sản hiện đại của khu vực Trung du miền núi Bắc bộ, là tỉnh có sản lượng điện sản xuất năng lượng tái tạo đứng đầu khu vực phía Bắc

3. Phát triển ngành Dịch vụ: Phát triển ngành du lịch tỉnh thành ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc, cả nước và quốc tế; nổi bật: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; khu du kịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; khu du lịch Bắc Yên…các khu di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh... Đồng thời, phát triển thương mại, hiện đại hóa ngành thương mại, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các loại hình dịch vụ phân phối chất lượng cao, quy mô lớn, hiện đại. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bảo hiểm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ theo hướng đổi mới quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển dần từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh số. Lĩnh vực vận tải và Logistic khai thác lợi thế hệ thống đường bộ, đường hàng không, đường sông, phát triển lĩnh vực đồng bộ, hiện đại…

Giờ học tại lớp học thông minh, Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố.

4. Các ngành Văn hóa - Xã hội: Giáo dục đào tạo: Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng giảng dạy và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; chuyển đổi số và phát triển thành nền giáo dục thông minh. Y tế: Hoàn chỉnh và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; ưu tiên đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Văn hóa, thể thao, nâng cấp, bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở từ cấp tỉnh xuống đến huyện, xã; từng bước chuyển đổi số, xây dựng và phát triển văn hóa thể thao Sơn La trở thành nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Khoa học công nghệ, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. An sinh xã hội,thực hiện tốt chế độ, chính sách và huy động xã hội hóa nguồn lực chăm lo người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình, đề án, dự án về giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc trẻ em...

5. Quốc phòng, an ninh: Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, có sức mạnh tổng hợp và trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ và xử lý kịp thời, hiệu quả mọi tình huống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Để thực hiện những mục tiêu đề ra, tỉnh Sơn La đề ra 7 nhóm giải pháp:

● Giải pháp về huy động vốn đầu tư

● Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

● Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ

● Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển

● Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn

● Giải pháp về đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển

● Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Kịch bản tăng trưởng Sơn La phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người của Sơn La sẽ đạt 100-120 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 25,8%, tuổi thọ trung bình người dân đạt trên 75 tuổi; tỷ lệ che phủ rừng đạt ổn định 50%...

Với tầm nhìn, tư duy đổi mới, sáng tạo cùng khát vọng vươn lên phát triển, Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh. Đồng thời, là sản phẩm của sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, quyết tâm sớm đưa Sơn La trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, thuộc nhóm dẫn đầu vùng Tây Bắc và miền núi phía Bắc.

Trung tâm đô thị thành phố Sơn La.

Trung tâm đô thị thành phố Sơn La.

Xem thêm