Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Ngày 18/6/2012, Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ngày 02/7/2012 Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật này. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2013 quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu.

Mục tiêu chủ yếu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (sau đây gọi tắt là Luật) là giảm tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, tính mạng con người, tương lai nòi giống dân tộc và nâng cao sức khỏe cộng đồng bằng việc thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá; hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, đặc biệt là giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân từ thuốc lá.

Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm quy định rõ việc cấm hút thuốc lá trong bệnh viện.

Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm quy định rõ việc cấm hút thuốc lá trong bệnh viện.

Để nâng cao hiệu quả thực thi, một trong những chủ thể được xác định trong phòng, chống tác hại của thuốc lá là người đứng đầu. Người đứng đầu ở đây được hiểu là nhà lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, địa phương. Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu được thể hiện ở hai khía cạnh đứng đầu về mặt hành chính và đứng đầu cơ quan quản lý địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Tại Điều 6 của Luật quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương của trong phòng, chống tác hại của thuốc lá gồm 3 nội dung: Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ; Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 14 của Luật quy định quyền của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá gồm: Một là buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Hai là, yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình. Ba là, từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.

Và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá gồm: Thực hiện quy định tại Điều 6 của Luật; tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

Điều 23, Nghị định số 176/NĐ-CP, ngày 14/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá cũng quy định chế tài xử phạt khi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu quản lý địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Cụ thể, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá; không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

Như vậy, Luật xác định người đứng đầu có vai trò quan trọng trong thực thi quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Do đó, các cơ quan đơn vị cần cụ thể các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm do mình quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá./.

Xem thêm