Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và phòng, chống tham nhũng

Ngày 08/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để xem xét các báo cáo về công tác tư pháp.

Sau khi nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo và Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày các báo cáo, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2022; Báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 và tập trung thảo luận về các nội dung trên.

1.	Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) chỉ rõ 5 chiêu trò phổ biến để lách luậttrong hoạt động đấu thầu thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) chỉ rõ 5 chiêu trò phổ biến để lách luật trong hoạt động đấu thầu.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, có 5 chiêu trò phổ biến để lách luật trong hoạt động đấu thầu là: Chia nhỏ gói thầu; cài cắm các điều khoản để “cài thầu quen, chèn thầu lạ" khiến đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế; thiết lập liên minh “quân xanh, quân đỏ" để diễn kịch thông thầu; móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống gói thầu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực,“đi đêm” khác trong hoạt động đấu thầu đã dẫn nhiều sai phạm, vụ án, nhiều cán bộ đã bị khởi tố.

Đại biểu Thủy cho rằng, pháp luật đã trao cho cơ quan đấu thầu quyền hạn quá lớn, đấu thầu nếu không được quy định và quản lý chặt chẽ sẽ trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng, trục lợi. Đại biểu Thủy kiến nghị: Các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là các sự việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu, bao gồm: Công khai về điều kiện dự thầu; danh sách, năng lực của nhà thầu; điều kiện trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả chấm thầu; kết quả giải quyết khiếu nại của nhà thầu.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn thảo luận về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy và tình trạng phá rừng trái pháp luật.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn thảo luận về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy và tình trạng phá rừng trái pháp luật.

Đánh giá kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy thời gian qua, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn nêu: Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch Covid-19; phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia, qua đường hàng không, chuyển phát nhanh từ một số nước châu Âu; số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là ma túy tổng hợp, những dạng ma túy mới...

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhận định, ma túy hiện diện khắp nơi, nhiều dạng khác nhau bằng những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng thuận tiện trong giao dịch mua bán. Do đó, đại biểu cho rằng cần được thể hiện trong báo cáo, có đánh giá cụ thể, phân tích kỹ nguyên nhân để từ đó có giải pháp quyết liệt, triệt để đảm bảo phù hợp với tình hình tội phạm ma túy hiện nay, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Đi sâu xem xét và phân tích báo cáo của ngành chức năng về công tác bảo vệ phát triển rừng những năm gần đây, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Tình trạng phát phá rừng vẫn ở mức cao với 2.653 vụ vi phạm, diện tích thiệt hại 852ha và trong 10 tháng năm 2022 số vụ vi phạm là 3.550 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 963ha, có địa phương xảy ra hàng trăm vụ vi phạm. Nguyên nhân căn bản được các địa phương xác định chủ yếu là người dân vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn do thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, cuộc sống và nhu cầu sinh hoạt dựa vào khai thác tài nguyên rừng, trong khi kinh phí chi trả cho công tác bảo vệ rừng vừa không kịp thời, vừa quá thấp dẫn tới người dân không mặn mà trong việc bảo vệ rừng. Mặt khác, chính quyền cơ sở không đủ điều kiện tổ chức lực lượng giải quyết triệt để tình trạng phá rừng; lực lượng Kiểm lâm mỏng, kinh phí, trang thiết bị còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Ngân đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ nội dung này trong báo cáo để có giải pháp trong đấu tranh với các vi phạm pháp luật. Về lâu dài cần có biện pháp giải quyết đất canh tác cho các hộ nghèo, hộ thực sự khó khăn; ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân làm nghề rừng. Đây cũng là giải pháp căn bản để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Trong phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

Ái Vân

Xem thêm