Những năm gần đây, xã Quảng Khê (Ba Bể) đã có nhiều khởi sắc trong công tác phát triển kinh tế - xã hội. Từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay số hộ khá của Quảng Khê mỗi năm một tăng lên, bộ mặt của địa phương ngày càng đổi mới.
Một trong những điều kiện để đạt được kết quả đó là việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng các nguồn hỗ trợ có tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả... Nhiều mô hình khuyến nông sau khi được triển khai tại cơ sở, bà con tích cực tham gia và áp dụng vào thực tế đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Cùng với đó, hằng năm, việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương được lãnh đạo thống nhất nhiều chương trình kế hoạch rồi triển khai đến các hội, đoàn thể thực hiện, đặc biệt là việc tập trung tạo điều kiện về vay vốn để người dân đầu tư phát triển kinh tế. Khi triển khai thực hiện, phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân trong việc giám sát, vận động, giúp đỡ, nắm rõ nhu cầu, việc sử dụng vốn vay để nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Nông dân xã Quảng Khê làm đất trồng cây màu vụ đông. |
Từ cách chỉ đạo của chính quyền và nỗ lực của bà con, nhiều gia đình đã thoát được nghèo, cuộc sống ngày một ổn định. Nhiều thôn bản có sự chuyển mình nhanh chóng, biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, mạnh dạn đầu tư cây trồng vật nuôi như thôn Nà Chom. Người dân trong thôn biết phát huy lợi thế, duy trì và phát triển cây hồng không hạt. Hộ trồng nhiều mỗi năm thu nhập từ hồng vài chục triệu đồng. Thôn đồng bào Dao Nà Hai tích cực tham gia các lớp chuyển giao KHKT, sử dụng giống mới và là thôn mạnh dạn đưa cây dưa hấu vào trồng đầu tiên của xã. Do chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ nhiều kênh thông tin nên nhiều hộ học tập nhau đưa vào trồng; có hộ còn kết hợp chăn nuôi, đào ao thả cá; đầu tư nuôi nhím…
Năm 2012, tổng sản lượng lương thực có hạt của Quảng Khê đạt gần 2 nghìn tấn. Một số cây trồng tăng cả diện tích và chất lượng như dưa hấu, ngô giống mới, quýt, hồng không hạt. Trong đó, dưa hấu mặc dù trong kế hoạch không giao chỉ tiêu nhưng cả xã trồng đạt hơn 20ha, năng suất bình quân đạt 40 tấn/ha, sản lượng đạt 92 tấn; đậu tương, đậu mèo đạt sản lượng hơn 80 tấn... Xác định rõ đời sống của người dân chỉ dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, hằng năm ngoài việc tập trung sản xuất, mở rộng những mô hình cây, con đạt giá trị kinh tế cao, các đoàn thể trong xã còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng, quản lý, bảo vệ rừng; trồng các loại cây ăn quả. Hiện nay, xã có gần 20ha cây ăn quả các loại như: Mận sớm, cam, quýt, hồng không hạt.
Bên cạnh đó, xã chú trọng phát triển đàn gia súc. Riêng Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ con giống trâu, bò 3 năm qua cộng với đẻ thêm được 21 con bê, nghé, hiện nay đàn gia súc của xã tăng lên có tổng đàn hơn 1 nghìn con. Việc tiêm phòng dịch bệnh, chống rét cho gia súc được người dân chú ý hơn những năm trước. Việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống, vật nuôi, hướng làm ăn mới theo khoa học, nhằm tăng năng suất cây trồng được đi đôi với việc mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vì vậy hiệu quả luôn đạt cao khi đưa vào vận dụng. Nhiều loại củ quả có hiệu quả kinh tế cao được đưa vào trồng như khoai sọ, khoai lang, sắn, đậu tương, đỗ mèo, dong riềng… trong đó, dong riềng trong năm trồng được 10ha, sản lượng đạt 600 tấn; cây đỗ mèo được người dân trồng nhiều (hơn 60ha), đặc biệt là bà con các thôn vùng cao, năng suất đạt 10 tạ/ha, sản lượng thu về trên 60 tấn đỗ...
Ở Quảng Khê, những năm gần đây, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế theo phương thức V.A.C.R, tuy mới chỉ ở mức nhỏ, nhưng hàng năm cũng đã có thu nhập vài chục triệu đồng. Điển hình là hộ ông Lý Phúc Ba, ở thôn Nà Hai trồng dưa hấu, đào ao thả cá, nuôi nhím; hộ Ma Văn Cả, ở thôn Bản Pjạc kinh doanh buôn bán nhỏ... Cùng với đó là được hỗ trợ từ Dự án 3PAD, Chương trình 30a, các chương trình, dự án này đã hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đập mương, phai tạm để ổn định nước tưới tiêu; hỗ trợ giống, vốn, khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt... góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo của địa phương. Với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính quyền và người dân, đến nay toàn xã chỉ còn hơn 200 hộ nghèo.
Những năm tiếp theo, ngoài việc duy trì kết quả đạt được, xã xác định tiếp tục vận động người dân nhân rộng những loại cây ăn quả hiệu quả kinh tế cao; đặc biệt chú trọng nâng cao diện tích trồng hồng không hạt; giao chỉ tiêu cho từng thôn cụ thể, sử dụng loại cây trồng phù hợp với điều kiện, chất đất, phấn đấu giảm hộ nghèo đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã đã đề ra./.
Tùng Vân