Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả nhờ công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, HTX Thiên An (xã Vi Hương, huyện Bạch Thông) đã và đang ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm.
Sản phẩm của HTX Thiên An thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Sản phẩm của HTX Thiên An thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Sớm được thành lập và hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, ngay từ đầu, HTX Thiên An đã thu hút được 12 thành viên tham gia vào năm 2015. Xuất phát từ ý tưởng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao, các thành viên HTX đã lựa chọn sản xuất các sản phẩm dược liệu và thổ cẩm.

Nguồn nguyên liệu chính là thảo dược hái từ núi rừng, sản xuất theo kinh nghiệm gia truyền của người Dao, các sản phẩm dược liệu của HTX Thiên An tập trung vào công dụng cải thiện sức khỏe như: Thuốc tắm cho người lớn, trẻ em và phụ nữ sau sinh, thuốc xoa bóp, cao gắm, thảo dược ngâm chân… Dòng sản phẩm tiêu dùng mang dấu ấn đậm nét đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng cao như: Túi thổ cẩm, gối dược liệu, ga, khăn trải bàn, váy áo dân tộc… Do vậy, sản phẩm của HTX Thiên An nhanh chóng tạo được dấu ấn đối với khách hàng nội tỉnh.

Khi mở rộng quy mô sản xuất, thị trường mà HTX Thiên An hướng tới là ngoại tỉnh. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường lớn phải có một chiến lược phù hợp và phương cách hiệu quả. Nhận thức rõ điều này, chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý với mục tiêu phát triển sản phẩm trên cả nước bằng nhiều kênh quảng bá khác nhau. Đồng thời HTX từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất, đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn, sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, kiểm định các khâu, truy xuất nguồn gốc để tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Các đơn vị, địa phương và nhiều HTX đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại HTX Thiên An.

Năm 2020, xã Vi Hương được lựa chọn là một trong 7 xã trên toàn quốc triển khai thí điểm “Chương trình chuyển đổi số xây dựng xã thông minh”. HTX Thiên An may mắn nhận được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số để quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm trên môi trường mạng internet. Ngoài được đầu tư máy tính, máy in và trang thiết bị cần thiết khác, các thành viên HTX còn được tham gia tập huấn, tìm hiểu về chuyển đổi số và được tư vấn những nội dung chuyển đổi số phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Đặc biệt, HTX Thiên An đã được ngành chuyên môn hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tư vấn bán hàng một cách chuyên nghiệp.

Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An.

Các sản phẩm của Thiên An hiện đã có trên nhiều sàn thương mại điện tử lớn trong nước, được Chi nhánh Viettel Bắc Kạn hỗ trợ bản quyền phần mềm quản lý hàng hóa ShopOne. HTX quản lý hàng hóa, hàng tồn kho, khách hàng, doanh thu trên nền tảng công nghệ thông tin một cách khoa học và hiệu quả.

Đến nay, HTX Thiên An có 22 thành viên, tạo việc làm cho 50 người lao động là phụ nữ dân tộc thiểu số trong xã, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. HTX đã xây dựng được 09 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh và trở thành một trong những HTX hoạt động hiệu quả tại địa phương.

“Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và bán hàng trên nền tảng số đã tạo ra sự thay đổi rất lớn đối với quá trình phát triển của HTX. Chúng tôi tiếp cận được khách hàng trên cả nước, doanh thu nhờ đó cũng tăng cao và tạo được sinh kế bền vững cho chị em dân tộc thiểu số làm việc tại HTX. Chương trình chuyển đổi số đã tạo nên "làn gió mới" giúp chúng tôi thay đổi tư duy, liên tục đổi mới sáng tạo, là cơ hội để HTX mở rộng sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm và hướng tới xuất khẩu”, chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An chia sẻ./.

Xem thêm